EU nới lỏng các quy định trong dự luật cắt giảm khí methane
Các nước EU cho rằng các công ty dầu mỏ và khí đốt nên kiểm tra cơ sở hạ tầng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực và sau đó, tiến hành các đợt kiểm tra theo những lịch trình cụ thể hơn.
Ngày 19/12, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất quan điểm đàm phán "dễ thở hơn" đối với dự luật nhằm cắt giảm khí thải methane trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
Methane là khí thải góp phần lớn thứ 2, sau CO2, dẫn tới tình trạng biến đổi khí hậu. Trong ngắn hạn, methane gây nhiều hiệu ứng ấm lên hơn so với CO2. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nhanh khí thải methane đóng vai trò rất quan trọng nếu thế giới muốn tránh một kịch bản biến đổi khí hậu thảm khốc.
Năm 2021, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất dự luật yêu cầu các công ty dầu mỏ và khí đốt ở châu Âu phải tiến hành kiểm tra định kỳ để xác định và khắc phục các sự cố rò rỉ khí methane trong hệ thống cơ sở hạ tầng.
Dự luật này sẽ được các nước thành viên EU thảo luận và Nghị viện châu Âu (EU) xem xét trong năm tới. Ngày 19/12, các bên đã thông qua quan điểm đàm phán.
Cụ thể, các nước EU cho rằng các công ty nên kiểm tra cơ sở hạ tầng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực và sau đó, tiến hành các đợt kiểm tra theo những lịch trình cụ thể hơn. Ví dụ, lịch kiểm tra các trạm nén khí là sau mỗi 6 tháng, với các trạm tăng áp là sau mỗi 12 tháng và với các đường ống dẫn là sau mỗi 2 năm. Lịch trình này đã được giãn cách hơn so với đề xuất của ban đầu của EC là kiểm tra hằng quý.
Hãng tin Reuters (Anh) dẫn thông tin nội bộ cho biết việc giãn cách lịch kiểm tra là đề nghị từ một số nước như Hungary và Romania. Bộ trưởng Năng lượng Romania Dan-Dragos Dragan cho biết nước này lo ngại tình trạng gián đoạn về nguồn cung thiết bị, nhân lực có tay nghề và năng lực điều hành.
Dự luật mới của EU cũng không áp dụng với những cơ sở hạ tầng ở nước ngoài tham gia vận chuyển khí đốt tới châu Âu. Hiện hơn 80% lượng khí đốt tiêu thụ tại EU là từ các nguồn nhập khẩu trong khi hầu hết lượng khí methane có liên quan mức tiêu thụ này phát thải tại các cơ sở sản xuất ở nước ngoài. Dù vậy, các bên cũng nhất trí sau khi luật có hiệu lực sẽ tiếp tục đánh giá xem có nên mở rộng quy định với các sản phẩm nhập khẩu hay không.
Bộ trưởng Năng lượng Luxembourg Claude Turmes đánh giá quan điểm đàm phán mới được các bên thống nhất là thiếu tham vọng và ông đã bỏ phiếu phản đối.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh chỉ trước đó vài tuần, tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), các nước EU đã cam kết tăng cường hành động để giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cùng với Mỹ, EU dẫn dắt cơ chế Cam kết Methane toàn cầu, gồm 150 quốc gia, nhằm cắt giảm 30% khí thải methane vào năm 2030./.