EU phát triển chung hệ thống chống UAV, tên lửa và tàu chiến

EU đang bước vào giai đoạn đột phá trong phát triển năng lực quốc phòng với các dự án hợp tác về phòng không, tên lửa, tàu chiến và tác chiến điện tử. Mục tiêu là củng cố vai trò chiến lược của EU, song việc hiện thực hóa vẫn đối mặt với thách thức tài chính và hợp tác giữa các quốc gia thành viên.

Quang cảnh cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng EU ngày 19/11/2024. Ảnh: Cơ quan Quốc phòng châu Âu (eda.europa.eu)

Quang cảnh cuộc họp cấp Bộ trưởng Quốc phòng EU ngày 19/11/2024. Ảnh: Cơ quan Quốc phòng châu Âu (eda.europa.eu)

Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 19/11, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến tới một bước ngoặt quan trọng trong việc phát triển năng lực quốc phòng khi các nước thành viên cam kết hợp tác chặt chẽ trong các dự án quân sự chung về phòng không, tên lửa tích hợp, tác chiến điện tử và tàu chiến thế hệ mới.

Dựa trên báo cáo mới nhất từ Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), chi tiêu quốc phòng của EU dự kiến sẽ đạt mức 326 tỷ euro vào năm 2024, tương đương 1,9% GDP của khối. Con số này cho thấy các quốc gia thành viên đang tiến gần hơn đến mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP theo yêu cầu của NATO.

Dù vậy, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell lưu ý rằng bất chấp việc tăng chi tiêu quân sự, nỗ lực riêng lẻ của các quốc gia vẫn chưa đủ để EU sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh cường độ cao. Ông đề xuất việc sử dụng một phần ngân sách thông qua các khoản đầu tư chung của châu Âu sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

Trong động thái mới nhất, 17 quốc gia thành viên dự kiến sẽ ký kết ít nhất một trong bốn văn bản chính trị bày tỏ ý định hợp tác phát triển năng lực quân sự chung. Tổng giám đốc điều hành EDA Jiří Šedivý nhấn mạnh: "Để trở thành nhà cung cấp an ninh đáng tin cậy, EU phải phát triển năng lực chiến lược, bao gồm cả khả năng ứng phó với các tình huống chiến tranh cường độ cao".

Trong số các dự án được đề xuất, lĩnh vực phòng thủ tên lửa và phòng không tích hợp thu hút sự quan tâm lớn nhất từ các quốc gia thành viên EU. Các dự án này tập trung vào việc mua sắm hệ thống chống thiết bị bay không người lái (C-UAV), tên lửa phòng không (GBAD) và đạn dược.

Đáng chú ý, ít nhất bảy quốc gia thành viên, trong đó có Bỉ và Hà Lan, đã bày tỏ quan tâm đến việc phát triển "Tàu chiến châu Âu". Dự án này nhằm bảo vệ các vùng biển của liên minh và ứng phó với các cuộc xung đột ở nước ngoài, với mục tiêu trở thành hoạt động hợp tác hải quân lớn của châu Âu vào năm 2040.

Bên cạnh đó, 13 quốc gia thành viên cũng thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác về năng lực tác chiến điện tử. Công nghệ này cho phép phá vỡ các cảm biến và thông tin liên lạc của đối phương, đồng thời bảo vệ lực lượng thân thiện khỏi bị phát hiện và can thiệp.

Để hỗ trợ các dự án này, Ủy ban châu Âu đã phê duyệt khoản tài trợ 300 triệu euro cho năm dự án thuộc Chương trình tăng cường công nghiệp quốc phòng châu Âu thông qua mua sắm chung (EDIRPA). Đồng thời, cơ quan này cũng đề xuất phân bổ 1,5 tỷ euro cho Chương trình Công nghiệp Quốc phòng châu Âu (EDIP).

Tuy nhiên, theo ông Andrius Kubilius - Ủy viên quốc phòng mới của EU, những con số này vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Ông ước tính cần khoảng 200 tỷ euro trong thập kỷ tới để nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ việc huy động thiết bị quân sự và quân đội trên khắp EU. Ngoài ra, việc xây dựng "lá chắn phòng không" của EU sẽ đòi hỏi thêm 500 tỷ euro nữa.

Theo các nhà ngoại giao EU, mặc dù các văn bản trên hiện chưa bao gồm bất kỳ cam kết tài chính cụ thể nào, nhưng đây là một "dấu hiệu chính trị" quan trọng thể hiện niềm tin của các quốc gia thành viên trong việc theo đuổi các dự án quốc phòng chung trong tương lai. Ông Šedivý khẳng định các cơ hội hợp tác này sẽ tập hợp các nhà hoạch định chính sách, nhà lập kế hoạch và chuyên gia vũ khí để cùng phát triển các tài sản quân sự có liên quan, phù hợp với các ưu tiên của NATO.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-phat-trien-chung-he-thong-chong-uav-ten-lua-va-tau-chien-20241120170358915.htm