EU sẽ gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU cho thủy sản Việt Nam trong 6 tháng tới?

Nếu tình hình thực tế triển khai các biện pháp chống khai thác IUU cải thiện hơn, EU sẽ xem xét gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU trong 6 tháng tới cho thủy sản Việt Nam.

Tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 10/2023, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho hay, qua thực tế đánh giá, EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc khuyến nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và quyết tâm để gỡ "thẻ vàng" IUU nhưng trên thực địa vẫn còn một số vấn đề phát sinh.

Nếu tình hình thực tế triển khai các biện pháp chống khai thác IUU có cải thiện, tốt hơn so với đợt kiểm tra vừa qua, EU sẽ xem xét gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU cho Việt Nam trong 6 tháng tới, trước kỳ bầu cử Nghị viện EU.

Xuất khẩu thủy sản còn gặp nhiều khó khăn

Xuất khẩu thủy sản còn gặp nhiều khó khăn

Do vậy, ông Trần Ngọc Quân đề nghị chính quyền các địa phương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến ngư dân nhiều hơn để tuân thủ các quy định trong khai thác, đánh bắt đúng ngư trường, đảm bảo triển khai IUU không chỉ tốt trên mặt văn bản.

"Trong 6 tháng tới, nếu chúng ta không quyết tâm để gỡ được "thẻ vàng" IUU thì sẽ phải chờ đợi thêm một thời gian rất dài. Bởi sau khi bầu cử Nghị viện EU, họ sẽ ưu tiên nhiều hơn cho việc ổn định thể chế trước khi xem xét, quyết định đến các vấn đề khác", ông Trần Ngọc Quân phân tích.

Ông Trần Ngọc Quân cũng thông tin, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU đang gặp nhiều thách thức.

Mới đây, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của EU đã tiến hành thẩm định chất lượng hàng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam với xác suất lấy mẫu 20% số lượng lô hàng, trong đó có 7,3% không đạt yêu cầu. "Đối với EU, mức độ này là cực kỳ nghiêm trọng", Trần Ngọc Quân nói. “Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đang phối hợp chặt chẽ với Tổng vụ Nghề cá và Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng để tiếp tục theo dõi, giải thích đối với các trường hợp vi phạm”, ông Trần Ngọc Quân thông tin.

Đáng lưu ý, theo ông Trần Ngọc Quân, hàng thủy sản vào EU đều là từ các doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu. Những doanh nghiệp này được kiểm tra và có chứng nhận an toàn thực phẩm từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Điều đó có nghĩa rằng, cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai một số biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng từ phía EU.

"Về phía EU, họ đã đưa ra cảnh báo nếu chúng ta không cải thiện thì hàng thủy sản đứng trước triển vọng xấu hơn trong tương lai, thậm chí bị hạn chế xuất khẩu vào EU", ông Quân nói.

Trước những diễn biến đó, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các địa phương tập trung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các yêu cầu về an toàn, chất lượng sản phẩm để giữ vững thị trường EU.

Được biết, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam như tôm, cá tra và cá ngừ đều ghi nhận sự kém lạc quan trong các tháng đầu năm 2023. Nguyên do, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều giảm nhu cầu. Trong 2 quý đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này giảm khá sâu, từ 30 – 45%, thị trường Mỹ còn giảm tới 51%. Tính đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm 31,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù vậy, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam- Nguyễn Hoài Nam nhận định, ngành thủy sản đang dần cho thấy tín hiệu tích cực khi mức giảm tổng ngành hiện chỉ âm 22% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tăng trưởng xuất khẩu trong 6-7 tháng đầu năm 2023 luôn trên mức âm 30% và cận âm 40%

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/eu-se-go-bo-the-vang-iuu-cho-thuy-san-viet-nam-trong-6-thang-toi-282654.html