EU sẽ không phê duyệt viện trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch
Theo EC, những hỗ trợ của nhà nước với các dự án liên quan đến các loại nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là những loại gây ô nhiễm nhất như dầu mỏ không phù hợp với các quy tắc viện trợ của nhà nước.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 18/11 thông báo cơ quan này có thể sẽ không phê duyệt các khoản viện trợ của chính phủ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, một phần trong kế hoạch điều chỉnh các quy định chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giúp khối này “xanh hơn.”
EC, cơ quan giám sát chính sách chống độc quyền của 27 quốc gia thuộc EU, đang xem xét lại các khoản viện trợ nhà nước của các chính phủ để kiểm tra xem có sự cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường chung châu Âu hay không.
Việc liên tục rà soát các quy định về tài trợ của các nước châu Âu cũng nhằm cố gắng điều chỉnh cho phù hợp với các chính sách về biến đổi khí hậu của khối.
Trong một thông báo công bố ngày 18/11, EC cho biết các quy định mới sẽ "hỗ trợ việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch."
Theo EC, những hỗ trợ của nhà nước đối với các dự án liên quan đến các loại nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là những loại gây ô nhiễm nhất như dầu mỏ, than và than nâu, không phù hợp với các quy tắc viện trợ của nhà nước.
Loại bỏ than và than nâu, một loại than phát thải cao, được coi là yếu tố quan trọng để EU đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
EC cho hay các quốc gia thành viên muốn có được sự chấp thuận của EU đối với các khoản viện trợ cho các dự án khí hóa thạch cũng cần giải thích cách họ đảm bảo các khoản đầu tư đó tuân thủ các mục tiêu khí hậu của EU và hạn chế lượng khí thải trong những năm tới.
Các nước EU đang chia rẽ về vai trò của khí đốt trong quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng carbon bằng 0. Khí đốt, một loại nhiên liệu hóa thạch, tạo ra khí thải CO2 khi bị đốt cháy trong các nhà máy điện, còn tại cơ sở hạ tầng khí đốt thải ra khí methane, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh.
Tuy nhiên, khí đốt tạo ra ít khí thải CO2 hơn so với than đá, và một số quốc gia Đông Âu phụ thuộc vào than coi nhiên liệu này là "cầu nối" giúp họ chuyển đổi từ năng lượng chạy bằng nhiên liệu than sang năng lượng tái tạo và trong một số trường hợp là năng lượng hạt nhân./.