EU siết chặt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19
Ngày 24-3, Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua 'cơ chế minh bạch và cấp phép xuất khẩu vaccine' nhằm siết chặt kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 được sản xuất trên lãnh thổ EU để bảo đảm nguồn cung cho các thành viên trong khối trước làn sóng thứ ba của đại dịch.
Ngày 24-3, Liên hiệp châu Âu (EU) đã thông qua “cơ chế minh bạch và cấp phép xuất khẩu vaccine” nhằm siết chặt kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 được sản xuất trên lãnh thổ EU để bảo đảm nguồn cung cho các thành viên trong khối trước làn sóng thứ ba của đại dịch.
Báo Leparisien đưa tin, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết, Ủy ban châu Âu đã quyết định thắt chặt cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 được sản xuất tại EU, nhằm “bảo đảm” nguồn cung cho 27 nước trong khối trước làn sóng thứ ba của đại dịch. Do EU “tiếp tục xuất khẩu khối lượng đáng kể sang các nước sản xuất vaccine cho riêng họ, nơi có số lượng tiêm chủng nhiều hơn”, EU đã áp dụng hai điều chỉnh đối với cơ chế hiện có để “giải quyết việc mất cân bằng này”.
Ông Valdis Dombrovskis cũng khẳng định, cơ chế ủy quyền xuất khẩu vaccine này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần trước phàn nàn rằng, EU đã xuất khẩu hơn 10 triệu liều vaccine sang Anh nhưng cho đến nay Anh vẫn chưa xuất khẩu liều vaccine nào sản xuất ở nước này sang EU, trong khi hợp đồng được ký với AstraZeneca dự kiến cung cấp cho EU loại vaccine được sản xuất tại hai nhà máy ở Anh.
Các tiêu chí chính của cơ chế được thông qua là “có đi có lại” và “tính tương xứng”. EU cho biết, “không có đi có lại” nếu một nước nhập khẩu vaccine từ EU hạn chế xuất khẩu bằng luật hoặc các biện pháp khác, vì vậy “cơ chế phù hợp để xem xét liệu có nên xuất khẩu vaccine sang nước đó có hợp lý hay không”.
Các nước thành viên EU cũng sẽ xem xét tình hình dịch tễ ở các nước ngoài EU, về tỷ lệ tiêm chủng và nguồn vaccine Covid-19 sẵn có như thế nào. Quy định cũng nhằm ngăn chặn việc một công ty "lách" lệnh cấm, bằng cách chuyển số lượng vaccine bị EU ngăn chặn qua một nước khác.
Trước đó, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã lên tiếng cảnh báo rằng, EU sẽ ngăn chặn việc xuất khẩu vaccine nếu EU không nhận được nguồn cung cấp đã hứa, trong đó Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca đã dự kiến cung cấp cho EU chỉ khoảng 70 triệu liều trong quý II, so với 180 triệu được dự kiến trong hợp đồng.
Cơ chế được thông qua một ngày trước khi Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo EU được tổ chức trực tuyến vào ngày 25 và 26-3. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh EU ngày càng thất vọng về việc triển khai tiêm chủng vaccine chậm chạp, cũng như sự chậm trễ trong việc phân phối vaccine từ các công ty dược phẩm như AstraZeneca và Johnson & Johnson.
Trong khi đó tại Pháp, Chính phủ đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 10 triệu người vào giữa tháng 4 tới. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ Pháp đang chuyển sang tiêm chủng đại trà, trong đó mở thêm nhiều địa điểm tiêm chủng. Tại Saint-Denis (tỉnh Seine-Saint-Denis), sân vận động Stade de France sẽ trở thành trung tâm tiêm chủng khổng lồ vào tháng 4, có khả năng tiếp nhận 2.000 người mỗi ngày. Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết, quân đội và lực lượng cứu hỏa cũng sẽ triển khai 35 trung tâm tiêm chủng lớn.