EU siết chặt gọng kìm thuế quan đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc

Kể từ tháng 7 tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ áp mức thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Đây là một phần trong chính sách thương mại mới của Liên minh châu Âu (EU) nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô của khối trước sự cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.

Ông Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, cho biết quyết định của EU đánh dấu sự thay đổi lớn đối với chính sách thương mại của khối này bởi vì mặc dù thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chống lại Trung Quốc nhưng họ hiếm khi làm như vậy đối với một ngành công nghiệp quan trọng.

Hiện các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang bị thách thức bởi làn sóng xe điện giá rẻ từ các đối thủ Trung Quốc. Theo Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở ở Mỹ, lượng ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU tăng vọt từ khoảng 57.000 xe (năm 2020) lên khoảng 437.000 xe (năm 2023). EC ước tính thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường EU đã tăng lên 8% từ mức dưới 1% vào năm 2019 và có thể đạt 15% vào năm 2025. Giá của ô tô Trung Quốc thường thấp hơn 20% so với các mẫu xe do EU sản xuất. Điều này khiến giới chức EU lo ngại ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc "gây ra mối đe dọa về kinh tế" cho các nhà sản xuất xe điện EU.

Xe điện của nhà sản xuất BYD thu hút khách tham quan tại triển lãm ô tô IAA ở Munich, Đức. Ảnh: AP

Xe điện của nhà sản xuất BYD thu hút khách tham quan tại triển lãm ô tô IAA ở Munich, Đức. Ảnh: AP

Để loại bỏ lo ngại này, dự kiến từ ngày 4-7, EU sẽ áp mức thuế bổ sung đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Thuế suất cụ thể đối với từng trường hợp tùy thuộc vào mức độ tuân thủ của nhà sản xuất đối với cuộc điều tra chống trợ cấp trong lĩnh vực ô tô điện mà EU công bố tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, theo The Guardian, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc SAIC-chủ sở hữu của thương hiệu MG, dự kiến sẽ gánh mức thuế nặng nề nhất là 38,1%. Hai nhà sản xuất xe điện lớn khác của Trung Quốc là Geely và BYD đối mặt với mức thuế lần lượt là 20% và 17,4%.

Khoản thuế bổ sung sẽ được cộng với mức thuế 10% hiện hành. Như vậy, tổng thuế suất mà EU áp dụng đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc dự kiến lên tới 48%. Theo tính toán của Reuters, những mức thuế trên sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc mất thêm hàng tỷ euro chi phí bổ sung.

EU là thị trường quan trọng hàng đầu đối với ô tô điện Trung Quốc. 40% lượng ô tô điện Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài có điểm đến là các quốc gia EU. Năm ngoái, Trung Quốc xuất khẩu 10 tỷ euro ô tô điện sang thị trường khu vực này, theo dữ liệu từ Công ty Rhodium Group. Do vậy, không lạ gì khi Trung Quốc phản ứng gay gắt với động thái áp thuế xe điện của EC. “EC đã chính trị hóa và vũ khí hóa các vấn đề kinh tế, thương mại. EU đã thêu dệt và cường điệu hóa cái gọi là trợ cấp. Đây là một hành động chủ nghĩa bảo hộ trần trụi”, tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ.

Đáng chú ý, động thái của EC cũng vấp phải sự phản đối của quan chức một số quốc gia thành viên EU. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia Hungary Marton Nagy cho rằng, việc EU áp thuế bổ sung đối với xe điện Trung Quốc có thể kìm hãm sự cạnh tranh, cản trở đà tăng trưởng của thị trường EU. Quan chức này nhấn mạnh, thay vì áp thuế, EU nên hỗ trợ ngành sản xuất xe điện của khối.

Được khởi xướng bởi Pháp, kế hoạch áp thuế bổ sung lên ô tô điện Trung Quốc sẽ mang về hàng tỷ euro mỗi năm cho ngân sách EU, nhưng cũng sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác, điển hình như việc giá xe điện tại khu vực này sẽ tăng cao, gây thiệt hại cho người tiêu dùng châu Âu. Nhiều hãng sản xuất ô tô của châu Âu cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể trả đũa tương ứng với kế hoạch của EC, hoặc thậm chí “cấm cửa” họ tại thị trường Trung Quốc. Giám đốc điều hành của BMW Oliver Zipse chỉ trích kế hoạch áp thuế của EC là “sai hướng” và sẽ gây tổn hại đến các công ty cũng như lợi ích của châu Âu.

Chưa rõ Trung Quốc sẽ đáp trả ra sao đối với kế hoạch áp thuế của EC, nhưng chắc chắn những động thái mới sẽ không “dễ thở” với châu Âu. Cũng không loại trừ khả năng phản ứng đáp trả của Bắc Kinh có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại, tác động xấu đến hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU và sự ổn định của chuỗi sản xuất, cung ứng ô tô trên toàn cầu.

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/eu-siet-chat-gong-kim-thue-quan-doi-voi-xe-dien-nhap-khau-tu-trung-quoc-5011930.html