EU tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngoại trưởng các nước thành viên EU mới đây đã thông qua kết luận của Hội đồng châu Âu về chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chiến lược mới sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU) tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhất là với các đối tác quan trọng trong khu vực này.

 EU đã có những đóng góp đáng kể góp phần duy trì luật pháp quốc tế về tự do hàng hải (Trong ảnh: Tàu hộ tống Vendemiaire (F734) của Hải quân Pháp trong một chuyến thăm hữu nghị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương)

EU đã có những đóng góp đáng kể góp phần duy trì luật pháp quốc tế về tự do hàng hải (Trong ảnh: Tàu hộ tống Vendemiaire (F734) của Hải quân Pháp trong một chuyến thăm hữu nghị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương)

Chiến lược hợp tác

Trong hội nghị trực tuyến vừa diễn ra tại Brussels (Bỉ), ngoại trưởng các nước thành viên EU đã thông qua kết luận của Hội đồng châu Âu về chiến lược hợp tác của EU tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo South China Morning Post, một loạt các lĩnh vực được đề cập trong tài liệu chiến lược dài 10 trang này như thương mại và đầu tư, biến đổi khí hậu (BĐKH) và tự do hàng hải tuân thủ luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, khối liên minh còn nhấn mạnh đến việc tiếp tục phát triển quan hệ đối tác trong khu vực về an ninh và quốc phòng, trong đó có giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải, thông tin sai lệch, khủng bố và tội phạm có tổ chức. “Giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 tới đời sống con người và kinh tế, hướng tới bảo đảm phục hồi kinh tế-xã hội xanh, bền vững và bao trùm, đồng thời tạo ra các hệ thống y tế có sức chống chịu tốt hơn cũng sẽ được chú trọng”, tờ South China Morning Post trích dẫn thông cáo sau hội nghị cho biết.

Chiến lược mới này đã thể hiện nhận thức của EU về tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cam kết củng cố vai trò của khối trong hợp tác với các đối tác tại đây. Nó cho phép Brussels thích ứng và xây dựng mối quan hệ hợp tác của mình theo các lĩnh vực cụ thể mà ở đó các bên có thể tìm thấy điểm tương đồng dựa trên những nguyên tắc, giá trị cùng chia sẻ hoặc lợi ích chung. Ngoài ra, EU cho rằng hợp tác trong khu vực này cũng góp phần thực hiện nghị trình toàn cầu của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).

Mặt khác, động thái trên của EU còn được coi là “lời đáp”, tiếp nối kế hoạch tương tự của Anh, cho lời kêu gọi của Mỹ hối thúc các đồng minh tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra sáng kiến “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do”. Thực chất, mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của chính quyền Washington là nhằm giành quyền chủ đạo, kiểm soát khu vực này, từ đó tiếp tục duy trì lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị, sức mạnh quân sự và ngoại giao của Mỹ.

Những đóng góp của EU

Những năm qua, EU đã có những đóng góp đáng kể tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong hợp tác phát triển và hỗ trợ nhân đạo, ứng phó BĐKH, tình trạng mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, đồng thời góp phần duy trì luật pháp quốc tế về quyền con người và tự do hàng hải. Theo các chuyên gia phân tích, việc thúc đẩy hợp tác là cốt lõi trong cách tiếp cận của EU. Điều này được áp dụng không chỉ đối với các đồng minh và đối tác truyền thống của EU mà còn cho sự hợp tác với “các nước thứ ba” vì lợi ích chung, cũng như tăng cường hợp tác trong các tổ chức đa phương khu vực, chẳng hạn như các cơ chế do ASEAN làm trung tâm hoặc trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM).

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với dân số chiếm gần một nửa dân số trên Trái đất nằm ở vị trí trung tâm của các lợi ích chiến lược chính trị và kinh tế thế giới. Lâu nay, với nhiều nguồn tài nguyên phong phú và nhiều tuyến đường biển “yết hầu” cùng hoạt động kinh tế, thương mại năng động bậc nhất, khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế kỷ 21 và xa hơn nữa.

Tuy nhiên, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã và đang ghi nhận sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt, làm gia tăng áp lực lên thương mại và các chuỗi cung ứng cũng như những căng thẳng trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ đều có những điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực này.

Hoài Anh (t.h)

2,246

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/eu-tang-cuong-hien-dien-tai-an-do-duong-thai-binh-duong-85900.html