EU thảo luận nhiều vấn đề gai góc tại Hội nghị thượng đỉnh

Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt nhiều vấn đề gai góc như khủng hoảng Ukraine, kinh tế khó khăn, lạm phát cao...

Lập trường của EU đối với khủng hoảng Ukraine

Hành động mạnh mẽ nhất, thể hiện lập trường lớn nhất liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine mà Liên minh châu Âu thể hiện trong Thượng đỉnh vừa qua là việc chính thức trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên (ƯCV) gia nhập Liên minh châu Âu – EU. Dù đây là một hành động mang nặng tính biểu tượng chính trị nhưng cũng là một hành động lịch sử. Lịch sử trước hết, đó là chưa khi nào EU lại trao tư cách ƯCV cho một quốc gia muốn gia nhập khối trong thời gian ngắn kỷ lục đến thế.

Từ thời điểm Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập EU cho đến khi được trao tư cách ƯCV chỉ chưa đầy 4 tháng. Đây là khoảng thời gian ngắn một cách bất thường vì thông thường các nước muốn gia nhập EU phải chờ đợi nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ mới được trao tư cách ƯCV chính thức. Ví dụ rõ nhất hiện nay chính là các quốc gia ở Tây Balkan như Bắc Macedonia hay Serbia đã phải chờ từ 2-3 năm, thậm chí như Albania phải chờ 5 năm, mới được EU trao tư cách ƯCV. Vì thế, Ukraine là một ngoại lệ lịch sử.

Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng EU đã ra một quyết định bỏ qua tất cả những chuẩn mực thông thường của khối này nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga, một cuộc chiến mà bản thân EU đánh giá là một sự kiện thay đổi thời đại của thế kỷ 21, là một biến cố trọng đại đối với an ninh châu Âu. Chính vì thế, quyết định này cũng mang một dấu ấn “lịch sử” thứ hai, đó là lần đầu tiên EU trao tư cách ƯCV cho một quốc gia đang có chiến tranh. Về phía châu Âu, đây cũng là thông điệp mà châu Âu muốn gửi tới Nga, rằng việc mở rộng khối này sang phía Đông sẽ không vì các phản đối của Nga mà dừng lại.

Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá quá cao hành động mà châu Âu coi là lịch sử này bởi chính vì là “lịch sử’, là “ngoại lệ”, là “chưa từng có” nên hành động này cũng trở thành bất thường và chứa đựng nhiều nguy cơ không thể trở thành hiện thực. Ukraine đã được trao tư cách ƯCV gia nhập EU nhưng từ việc là ƯCV cho đến khi trở thành thành viên đầy đủ của EU là một chặng đường rất dài, với rất nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan.

Cuộc chiến hiện nay tại Ukraine chưa biết khi nào sẽ kết thúc và sẽ kết thúc với kịch bản ra sao nên việc tưởng tượng ra viễn cảnh Ukraine nằm trong EU là tương đối xa vời. Rất nhiều chuyên gia chính trị châu Âu nhận định rằng nếu Ukraine trong tương lai rơi vào tình trạng lãnh thổ, dù chỉ một phần, bị chiếm đóng thì việc xem xét kết nạp vào EU là gần như bất khả thi. Tiếp đến, Ukraine sẽ phải thực hiện những yêu cầu cải cách vô cùng nghiêm ngặt từ EU, để có thể tương thích với khoảng 130 ngàn trang điều luật của tất cả các Hiệp ước, luật lệ… của Liên minh châu Âu nên quãng thời gian chờ đợi có thể lên tới hàng chục năm, thậm chí vài thập kỷ.

Khả năng ứng phó của EU trước các thách thức kinh tế

Nếu xét EU như một khối thống nhất thì đây là một siêu cường kinh tế thế giới nhưng dù mức độ hội nhập của EU là rất cao, khối này vẫn là một tập hợp của 27 nền kinh tế có các trình độ phát triển và quy mô hoàn toàn khác biệt. Trong số này có những cường quốc kinh tế tốp đầu thế giới như Đức-Pháp-Italy nhưng cũng có các nước thành viên có quy mô kinh tế nhỏ bé, như một số nước Đông Âu, Baltic. Do đó, nội lực của mỗi quốc gia thành viên EU trong việc chống chọi với tình trạng lạm phát tăng cao cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế hiện nay là rất khác nhau.

Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, có những nước chỉ ghi nhận mức lạm phát quanh mức 5-6% như Pháp, Malta, nhưng có những nước ở mức 9-10% như Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan và cá biệt có những thành viên ở Baltic như Estonia hay Litva tỷ lệ gia tăng giá cả tiêu dùng trong tháng 5/2022 lên tới mức 18-20%. Sự khác biệt rất lớn về mức độ lạm phát này tại các quốc gia thành viên EU sẽ khiến việc điều hành của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) gặp rất nhiều khó khăn bởi khó có thể đưa ra có một chính sách thích hợp cho tất cả các nền kinh tế.

Mức độ lạm phát khác nhau này cũng đã và đang gây ra các rạn nứt trong nội bộ các nước EU, khi đào sâu khoảng cách phát triển giữa các nước, khiến các nước đang có nợ công cao phải gánh chịu thiệt hại nhiều hơn. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong nội bộ nhóm các nước sử dụng chung đồng euro - tức khu vực eurozone với 19 nước và vừa có thêm Croatia. Một ví dụ điển hình là hồi tháng 4/2022, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Italy tăng vọt từ mức 1% vào đầu năm 2022 lên 4,3%, làm nới rộng khoảng cách về lãi suất trái phiếu của các nước khác trong EU, gây lo ngại một sự đổ vỡ trong eurozone.

Nói cách khác, khi lạm phát tăng cao ở các mức khác nhau, Ngân hàng trung ương mỗi nước châu Âu đưa ra các điều chỉnh khác nhau trong nội bộ mỗi nước nhưng do tất cả dùng chung một đồng tiền là đồng euro nên các khác biệt quá lớn về chính sách tiền tệ sẽ làm suy yếu đồng euro, gây nên chia rẽ giữa các nước, như trong ví dụ trên là các nước khác đã chỉ trích rất mạnh chính sách của Italy, xem đây như là mắt xích yếu có thể đẩy eurozone vào một cuộc khủng hoảng nợ công thứ hai trong vòng 1 thập kỷ, đặc biệt trong bối cảnh hầu như nợ công tất cả các nước châu Âu đều đã tăng vọt sau khi phải chi ra các khoản đầu tư khổng lồ để phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua.

Vì thế, đối với các nước châu Âu, cuộc chiến kinh tế sẽ còn rất khó khăn và nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu đã đánh giá là mới đi được nửa năm nhưng năm 2022 coi như đã là một năm thất bại. Dĩ nhiên, sau khi đã trải qua rất nhiều khủng hoảng lớn trong thập kỷ qua, EU cũng đã xây dựng được rất nhiều cơ chế mạnh để ứng phó với các thách thức kinh tế, trong đó có cơ chế bình ổn tài chính châu Âu sau khủng hoảng nợ công hồi 2012, cơ chế vay nợ chung-trả nợ chung hậu Covid-19 hay cơ chế mua hàng tập thể đã được áp dụng khi mua vaccine ngừa Covid-19 và hiện đang áp dụng để mua khí đốt, dầu lửa. Do đó, về nội lực, EU vẫn đủ mạnh để đối phó với các khó khăn kinh tế hiện nay nhưng tình hình này sẽ còn kéo dài và thiệt hại kinh tế với các nước sẽ còn gia tăng.

Giới hạn cho châu Âu

Đầu tháng 6/2022, sau khi phải rất khó khăn mới thông qua được gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó trọng tâm là việc cấm vận 3/4 lượng dầu mỏ nhập từ Nga, rất nhiều nhà lãnh đạo EU đã công khai thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt mà EU nhằm vào Nga sau này sẽ có một tiêu chí bắt buộc, đó là phải gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga nhiều hơn là gây hại cho chính kinh tế châu Âu. Và ngay cả những lãnh đạo châu Âu thù địch nhất với Nga, như nguyên thủ các nước Baltic, cũng đánh giá rằng phải tương đối lâu nữa EU mới có thể tung ra gói trừng phạt thứ 7 nhằm vào Nga và biện pháp trừng phạt lớn nhất, đó là cấm vận khí đốt Nga, có lẽ sẽ phải mất hàng năm, thậm chí nhiều năm nữa mới có thể thực hiện.

Thực tế những gì đang diễn ra hiện nay cho thấy, Nga cũng không chờ đợi các động thái của châu Âu một cách bị động như trước. Vài tuần qua, Nga đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho Đức, còn trước đó đã cắt khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria, Hà Lan. Ngay lập tức, các diễn biến này đẩy châu Âu đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn mà theo một số chuyên gia kinh tế Đức, giá khí đốt mà người dân Đức phải trả vào cuối năm nay có thể sẽ tăng gấp 4-5 lần so với hiện nay nếu không có biện pháp khẩn cấp hiệu quả. Kinh tế Đức, cường quốc số 1 châu Âu, gần như sẽ rơi vào suy thoái nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt. Vì thế, trong cuộc chiến kinh tế hiện nay giữa châu Âu và Nga, hai bên đều thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, về ngắn hạn, châu Âu đang hứng chịu các hậu quả lớn hơn, thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ lạm phát tăng cao ở khắp châu lục còn Nga hiện vẫn đang thu lợi đáng kể từ giá năng lượng cao. Tất nhiên về dài hạn, Nga cũng có thể hứng chịu các tác động lớn hơn khi các lệnh trừng phạt phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, câu hỏi về giới hạn chịu đựng cho châu Âu được đặt ra vào thời điểm này là hợp lý. Các khó khăn kinh tế hiện nay trên thực tế đã tác động đến quan điểm của người dân châu Âu. Một cuộc thăm dò cách đây 2 tuần do Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR), một think-tank lớn có trụ sở tại Berlin, thực hiện với gần 10.000 người dân tại 9 quốc gia châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, cho thấy, tỷ lệ người dân châu Âu lo ngại về các khó khăn kinh tế đã cao hơn tỷ lệ lo cho an ninh của Ukraine. Số người muốn nhanh chóng tìm kiếm hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine cao hơn số người muốn châu Âu ủng hộ Ukraine đến cùng cho đến khi nào đánh bại được Nga. Đây chính một chỉ số về sức chịu đựng của châu Âu bởi một khi sự phản đối, sự bất mãn trong dư luận tăng cao, các chính phủ châu Âu cũng sẽ phải thay đổi chính sách nếu không muốn đối mặt với các thất bại trên chính trường, như điều vừa diễn ra với chính phủ tại Bulgaria hay việc Tổng thống Pháp Macron mất đa số tại Quốc hội Pháp.

Rất nhiều nguyên thủ châu Âu, như Thủ tướng Anh Boris Johnson, và thậm chí cả Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky đã công khai thừa nhận rằng “sự mệt mỏi” này là nguy cơ lớn nhất làm phai nhạt mức độ quan tâm và ủng hộ của châu Âu với Ukraine. Đây là sự mệt mỏi của người dân khi phải gánh các tác động kinh tế của cuộc chiến, sự mệt mỏi của truyền thông khi phải nói quá nhiều đến những gì đang diễn ra ở Ukraine và quan trọng nhất, là sự mệt mỏi của các chính phủ khi nguồn lực bị hao tổn khi cuộc chiến kéo dài.

Vì thế, dù đa số các nước châu Âu đang thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong việc duy trì sự ủng hộ với Ukraine và trừng phạt Nga, nhưng tất cả sẽ phụ thuộc vào tình hình kinh tế. Nếu kinh tế tiếp tục xấu đi nghiêm trọng trong vài tháng tới, có lẽ châu Âu sẽ buộc phải tính đến việc thay đổi, thậm chí là thỏa hiệp./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/eu-thao-luan-nhieu-van-de-gai-goc-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-post952736.vov