EU thông qua kim chỉ nam về an ninh, quốc phòng

Theo kênh truyền hình DW, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua một kế hoạch hành động về an ninh và quốc phòng, còn được gọi là La bàn chiến lược, tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU ở Brussels.

Tăng chi tiêu

La bàn chiến lược cung cấp cho EU một chương trình hành động đầy tham vọng để tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh vào năm 2030. Mục tiêu của kế hoạch là đưa EU trở thành tổ chức có thể cung cấp sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ và có năng lực hơn. Định hướng này sẽ nâng cao quyền tự chủ chiến lược của EU và khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU.

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Các đại biểu thảo luận tại hội nghị

Theo La bàn chiến lược, EU sẽ sử dụng các nhóm tác chiến được thành lập vào năm 2007 để tạo thành lực lượng phản ứng gồm 5.000 binh sĩ. Các nhóm chiến đấu đang hoạt động, song chưa bao giờ được sử dụng - vì thiếu ý chí chính trị và phương tiện tài chính, sẽ thực hiện các hành động bên ngoài EU. Lực lượng này sẽ được tạo thành từ các đơn vị bộ binh, không quân và hải quân; có khả năng vận tải để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp, cứu và sơ tán các công dân châu Âu trong các cuộc xung đột.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell nhấn mạnh, La bàn chiến lược là kim chỉ nam cho hành động, đặt ra một hướng đi đầy tham vọng cho chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh trong thập niên tới. Kế hoạch hành động này sẽ giúp EU đối mặt với trách nhiệm an ninh của mình. La bàn chiến lược đánh giá chung về môi trường chiến lược của EU cũng như các mối đe dọa và thách thức mà liên minh này phải đối mặt. Văn kiện đưa ra các đề xuất cụ thể và có thể hành động, với một thời gian biểu rất chính xác để thực hiện, nhằm cải thiện khả năng của EU trong việc hành động một cách quyết đoán trong các cuộc khủng hoảng và bảo vệ an ninh của mình và người dân.

Bước chuyển mạnh mẽ

Các cam kết quân sự của EU sẽ được thảo luận với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 24-3 tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc chia sẻ chi phí đồn trú các lực lượng Mỹ ở các nước vùng Baltic như Ba Lan, Romania, Bulgaria và Slovakia sẽ là một trong những chủ đề trong các cuộc thảo luận. Không có mục tiêu định lượng nào được đưa vào các cam kết của EU nhưng tất cả các nước NATO, trong đó có 21 nước là thành viên EU - đã cam kết dành 2% GDP của mình cho chi tiêu quân sự vào năm 2024. Đức, Bỉ và Đan Mạch - 3 quốc gia tụt hậu xa so với cam kết này, đã tuyên bố tăng ngân sách của mình.

EU cũng sẽ đầu tư các loại vũ khí mà họ hiện đang thiếu, gồm máy bay không người lái, xe tăng, hệ thống phòng không và chống tên lửa. Ông Josep Borrell nhấn mạnh: “Các hành động chi tiết là đầy tham vọng, song có thể đạt được với cam kết chính trị bền vững”.

Giới quan sát nhận định việc EU thông qua La bàn chiến lược có thể xem là một bước chuyển mạnh mẽ về đồng thuận trong nội bộ của khối, vốn có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề tự chủ quốc phòng. Theo chuyên gia Claudia Major của Viện Quốc tế và An ninh Đức có trụ sở tại Berlin (Đức), La bàn chiến lược là một trong những thách thức mà Pháp đặt ra cho nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU năm 2022 của nước này. Theo bà Major, đó là một cuộc thao dượt quan trọng, buộc các nước châu Âu phải trao đổi và lắng nghe lẫn nhau, cũng như là nơi cho thấy sự đoàn kết của khối. La bàn chiến lược cũng đồng thời liên quan đến việc xem xét lại khái niệm chiến lược của EU.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//eu-thong-qua-kim-chi-nam-ve-an-ninh-quoc-phong-801372.html