EU tiến hành tham vấn nhằm điều chỉnh các quy định tài chính

Ngày 5/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã có bước đi đầu tiên nhằm xem xét lại toàn bộ các quy định tài chính thông qua việc tham vấn mở nhằm tìm ra quan điểm chung trong bối cảnh các chính phủ thành viên đang bị chia rẽ nghiêm trọng.

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis. Ảnh: AFP/TTXVN

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các quy định tài chính mang tên Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) nên duy trì thâm hụt ngân sách dưới mức 3% Tổng sản phẩm (GDP) và nợ công dưới 60% GDP. Trước đó, cách tiếp cận lỏng lẻo giữa một số chính phủ và việc tác động vào số liệu thống kê của Hy Lạp đã gây ra cuộc khủng hoảng nợ công vào năm 2010 và gần như hủy hoại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Điều này đã khiến Eurozone bị chia rẽ nghiêm trọng, khi các nước Bắc Âu với chính sách tài chính nghiêm ngặt cáo buộc miền Nam hoang phí, trong khi các thành viên miền Nam lại chỉ trích các thành viên miền Bắc bị ám ảnh bởi việc giảm nợ.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nêu rõ cơ quan này đang hướng tới cuộc thảo luận mở về những quy định hiệu quả, những nội dung còn kém hữu ích, cũng như cách thức xây dựng sự đồng thuận để đảm bảo tăng tính hiệu quả của các quy định.

Dự kiến, Ủy ban châu Âu sẽ lấy ý kiến phản hồi về những điều khoản có thể bị thay đổi cho tới giữa năm nay và đưa ra đề xuất trước cuối năm 2020. Các giới hạn về thâm hụt và nợ sẽ giữ nguyên, song EU sẽ tìm cách đơn giản hóa quy định và tập trung vào các số liệu mà chính phủ kiểm soát như sự tương quan giữa chi tiêu và tăng trưởng GDP. EC thừa nhận hệ thống hiện nay chưa hiệu quả trong việc khuyến khích chính phủ tiết kiệm trong thời kỳ tăng trưởng tốt và thúc đẩy đầu tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo EU cũng mong muốn nhìn thấy sự thay đổi giúp hỗ trợ Thỏa thuận Xanh đầy tham vọng của khối.

Các quy định tài chính của EU đã được đưa ra vào năm 1997 nhằm hỗ trợ đồng tiền chung euro, thông qua việc hạn chế các khoản vay. Kể từ thời điểm đó, các quy định này đã trải qua 3 lần sửa đổi vào các năm 2005, 2011 và 2013.

Cùng ngày, Ủy viên châu Âu phụ trách về mở rộng khối Oliver Varhelyi khẳng định EU vẫn sẽ hướng tới việc đón nhận các quốc gia Balkan như Serbia, Montenegro, Albania, Bosnia và CH Bắc Macedonia tham gia khối bất chấp sự phản đối của Pháp.

Phát biểu tại họp báo sau khi công bố các cải cách của EC, ông Varhelyi khẳng định việc mở rộng EU là một vấn đề mang tính chiến lược địa chính trị và cũng là mục tiêu của khối

Tháng 10/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ngăn tiến trình tiếp nhận thành viên mới của EU, một quyết định bị EC đánh giá là sai lầm lịch sử. Ban lãnh đạo EU hy vọng có thể thuyết phục Pháp ủng hộ trước khi hội nghị EU tại Zagreb (Croatia) với các nước Balkan diễn ra vào tháng 5 tới. Những cải cách mới nhất giúp các nước thành viên EU có thể chặn tiến trình tiếp nhận thành viên mới, thậm chí là buộc những nước muốn gia nhập phải khởi động lại đàm phán trong một số vấn đề chính sách. Trong số các nước Balkan, Serbia và Montenegro là những quốc gia tiến xa nhất trong cuộc đàm phán và có thể sớm gia nhập EU.

Đặng Ánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/eu-tien-hanh-tham-van-nham-dieu-chinh-cac-quy-dinh-tai-chinh-20200205205747517.htm