EU tiếp tục dự định áp thuế 9% đối với Tesla Trung Quốc, Bắc Kinh dọa trả đũa

Trung Quốc đe dọa trả đũa các biện pháp trừng phạt của EU.

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, họ dự định áp dụng thuế bổ sung 9% đối với xe Tesla nhập khẩu từ Trung Quốc, khi ra thông báo cho các nhà sản xuất ô tô về dự thảo quyết định tiến hành áp thuế chính thức đối với xe điện nhập khẩu từ quốc gia này.

Giới quan chức EU tiết lộ, động thái mới nhất nhằm đối phó với các khoản trợ cấp mà Bắc Kinh đã cung cấp cho ngành công nghiệp ô tô. EU cho biết, sẽ tiếp tục tham vấn với các nhà sản xuất trước cuộc bỏ phiếu của các quốc gia thành viên về việc áp thuế dự kiến bắt đầu vào tháng 11.

Mức thuế đề xuất đã được điều chỉnh, với SAIC Motor Corp. (nhà sản xuất MG), Geely (công ty mẹ của Volvo Car AB) và BYD Co. mỗi công ty phải đối mặt với thuế bổ sung lần lượt là 36,3%, 19,3% và 17% - tất cả đều thấp hơn một chút so với mức đã công bố trước đó.

Đối với Tesla Inc., mức thuế 9% có thể xem là tín hiệu tích cực vì thấp hơn so với mức thuế mà các nhà sản xuất khác phải đối mặt. Các quan chức EU cho hay, yếu tố đằng sau tính toán này là Bắc Kinh dường như cung cấp ít trợ cấp hơn cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Tesla đã yêu cầu được EU đánh giá riêng và được chấp thuận vào đầu năm nay. Sau khi các đoàn thanh tra đến thăm hàng loạt nhà máy của Tesla, tín hiệu tích cực đã được thông báo.

Trong khi đó, những công ty khác hợp tác với cuộc điều tra của EU nhưng không được các điều tra viên EU khảo sát - như Dongfeng Motor Group Co. và Nio Inc. - sẽ bị áp thuế 21,3%. Các nhà sản xuất khác không hợp tác sẽ phải đối mặt với mức thuế 36,3%. Các mức thuế này sẽ được áp dụng thêm vào mức thuế 10% mà các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đã phải chịu.

Các quan chức EU cho biết, phần lớn lợi ích mà Tesla nhận được là việc cung cấp pin dưới giá thị trường. Công ty có trụ sở tại Austin này cũng nhận được các ưu đãi bao gồm quyền sử dụng đất, giảm thuế thu nhập và các khoản trợ cấp dưới nhiều hình thức, bao gồm cả trợ cấp quốc gia mà tất cả các nhà sản xuất xuất khẩu đều nhận được.

Nếu được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu có tính ràng buộc, Ủy ban Châu Âu sẽ công bố quy định cuối cùng về thuế quan vào ngày 30/10. Sau đó, mức thuế sẽ có hiệu lực trong 5 năm và có thể được gia hạn sau khi xem xét lại.

Brussels và Bắc Kinh đã tiến hành đàm phán trong nhiều tháng qua để tìm kiếm một giải pháp thay thế. Song EU đã bày tỏ quan điểm cứng rắn và cho rằng bất kỳ giải pháp nào cũng cần tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời phải giải quyết được các vấn đề cơ bản về trợ cấp.

Về phía Trung Quốc, giới quan chức nước này cho rằng EU đang có những hành động mang tính bảo hộ và đe dọa sẽ trả đũa bằng cách áp thuế riêng đối với một loạt ngành bao gồm thịt lợn, rượu mạnh và ô tô có động cơ lớn. Bắc Kinh cũng đang kiện các biện pháp này tại WTO.

Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU đã bày tỏ "sự không hài lòng mạnh mẽ và phản đối kiên quyết" đối với việc công bố này trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, đồng thời cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy xe điện Trung Quốc gây thiệt hại đáng kể cho thị trường của khối.

Người phát ngôn của Geely và BYD từ chối bình luận, trong khi đại diện của SAIC không phản hồi ngay lập tức các yêu cầu bình luận được gửi ngoài giờ làm việc thông thường.

Một số quốc gia thành viên, bao gồm Đức và Hungary, đã bày tỏ sự phản đối đối với mức thuế quan cao, song cần phải nhận được nhiều sự đồng thuận hơn để có quyền phủ quyết.

Qui Ánh / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/eu-tiep-tuc-du-dinh-ap-thue-9-doi-voi-tesla-trung-quoc-bac-kinh-doa-tra-dua-post354163.html