EU tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm xương máu, lên dây cót tinh thần tự chủ hậu Afghanistan

Theo Viện nghiên cứu An ninh châu Âu (EUISS), ngày 2/9, tại Slovenia đã khai mạc Hội nghị không chính thức Bộ trưởng quốc phòng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), diễn ra từ ngày 2-3/9.

EU tổ chức Hội nghị không chính thức Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên tại Slovenia trong 2 ngày 2-3/9. (Nguồn: Breaking Latest)

EU tổ chức Hội nghị không chính thức Bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên tại Slovenia trong 2 ngày 2-3/9. (Nguồn: Breaking Latest)

Tham dự hội nghị, ngoài các bộ trưởng quốc phòng EU còn có Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Micea Geoana và Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách gìn giữ hòa bình Pierre Lacroix.

Tại hội nghị, các bộ trưởng nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm từ tình hình Afghanistan cho thấy, EU cần thúc đẩy xây dựng những năng lực về quân sự và quốc phòng nhằm bảo đảm quyền tự chủ về chiến lược của Liên minh, tăng cường năng lực đối phó khủng hoảng dựa trên tài liệu có tên “Strategic Compass” (Định hướng chiến lược) của khối.

Theo Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, Afghanistan đã cho thấy điểm yếu của EU về quyền tự chủ chiến lược khiến Liên minh phải trả giá đắt. Con đường duy nhất để phát triển là "kết hợp các lực lượng của chúng ta và củng cố không chỉ năng lực mà còn cả ý chí hành động".

Bộ trưởng Quốc phòng Slovenia Matej Tonin kêu gọi áp dụng một hệ thống mới cho phép điều động quân đội từ "các nước tình nguyện" thay mặt cho EU nếu đa số các quốc gia thành viên chấp nhận điều đó, thay vì sự nhất trí cần thiết cho các nhóm chiến thuật.

Ngoài ra, các bộ trưởng quốc phòng EU đánh giá, những chiến dịch của EU liên quan tình hình Afghanistan, trong đó có hoạt động sơ tán công dân, vẫn chưa kết thúc và EU cần tiếp tục hỗ trợ về cả ngoại giao, nhân đạo và dư luận quốc tế.

Các lãnh đạo quốc phòng của khối cũng thảo luận về những tác động đối với quốc phòng và an ninh của cuộc khủng hoảng Afghanistan có thể trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình an ninh tại châu Âu.

Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm quý giá từ vấn đề Afghanistan đối với châu Âu, cũng như việc thực thi các sứ mệnh và chiến dịch của EU tại Mali/Sahel, Mozambique, Libya và Tây Balkan cũng được các bộ trưởng bàn thảo.

Theo EU, chiến dịch Althea tại Bosnia-Herzegovina có ý nghĩa rất quan trọng đối với an ninh và ổn định tại khu vực. Khối này nhất trí sẽ tổ chức một hội nghị đặc biệt cấp bộ trưởng vào cuối tháng 9 này tại Slovenia nhằm tiếp tục thảo luận các vấn đề liên quan đến tài liệu mang tính định hướng “Strategic Compass”.

Về các thách thức địa chiến lược chung cũng như vấn đề hợp tác với NATO và LHQ, các bộ trưởng nhất trí cho rằng, cả EU, NATO và LHQ đều đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu giống nhau, như biến đổi khí hậu, các thách thức mới nổi, đứt gãy về công nghệ hoặc các vấn đề “phụ nữ, hòa bình và an ninh”.

Các thách thức này cần được giải quyết theo một cách thống nhất, đặc biệt, đối với những diễn biến vừa qua tại Afghanistan, cả ba tổ chức cần phối hợp với nhau một cách hiệu quả, đồng thời cần tôn trọng những nỗ lực riêng của mỗi bên.

(theo AP, AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/eu-to-chuc-hoi-nghi-rut-kinh-nghiem-xuong-mau-len-day-cot-tinh-than-tu-chu-hau-afghanistan-157227.html