EU và Anh nỗ lực vì một Brexit có thỏa thuận

QĐND - Liên minh châu Âu (EU) và Anh vẫn thể hiện mong muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán về mối quan hệ song phương tương lai sau khi London rời khỏi 'ngôi nhà chung' châu Âu, hay còn gọi là Brexit.

Theo Reuters, trong một cuộc điện đàm vào chiều 3-10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thống nhất kéo dài đàm phán Brexit thêm một tháng, đồng ý rằng cả hai bên đều ghi nhận đủ tiến bộ nhằm chứng minh nỗ lực cuối cùng cho một thỏa thuận về thương mại và an ninh hậu Brexit.

Trong một tuyên bố chung sau cuộc điện đàm, Chủ tịch EC và Thủ tướng Anh cho biết, hai bên đã xác định được lý do để hy vọng rằng EU và Anh có thể tìm thấy điểm chung về các vấn đề gây tranh cãi nhất. Theo đó, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc tìm kiếm một thỏa thuận, nếu có thể, đóng vai trò như một cơ sở vững chắc cho mối quan hệ chiến lược EU-Anh trong tương lai. “Hai bên tán thành đánh giá của cả hai trưởng đoàn đàm phán về tiến bộ đã đạt được trong những tuần gần đây, dù rằng hai bên vẫn còn khoảng cách đáng kể ở nhiều vấn đề, trong đó không chỉ là đánh bắt cá, cạnh tranh công bằng hay cơ chế giải quyết tranh chấp”, tuyên bố chung nhấn mạnh.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (bên trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một cuộc gặp ở London vào đầu tháng 1-2020. Ảnh: EPA

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (bên trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một cuộc gặp ở London vào đầu tháng 1-2020. Ảnh: EPA

Lần gần đây nhất hai nhà lãnh đạo EU và Anh đối thoại đã diễn ra từ tháng 6 trong một hội nghị trực tuyến giữa Thủ tướng Anh và các nhà lãnh đạo của EU. Tại đây, ông Boris Johnson cho rằng đã đến lúc tăng sự hiện diện cấp cao trong các cuộc đàm phán Brexit, đồng thời nhấn mạnh rằng một thỏa thuận có thể đạt được vào cuối mùa hè. Sau đó, người đứng đầu Chính phủ Anh đã dời thời hạn chót của mình sang giữa tháng 10, trước khi các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh nhằm đánh giá tiến độ đàm phán Brexit.

Cũng theo tuyên bố chung, bà Ursula von der Leyen và ông Boris Johnson sẽ chỉ thị cho các trưởng đoàn đàm phán Brexit của mình, lần lượt là Michel Barnier và David Frost, phải “nỗ lực hết sức” để thu hẹp những vướng mắc chính còn tồn tại. Các vòng đàm phán mới đã được thống nhất, thể hiện quyết tâm của hai bên trong việc tìm kiếm “điểm hạ cánh” cho những bất đồng còn lại. Dự kiến, ông Michel Barnier sẽ tới London để đàm phán với người đồng cấp Anh David Frost trong tuần này và hai bên sẽ tổ chức các cuộc đàm phán tiếp theo ở Brussels (Bỉ) vào tuần sau. Viết trên mạng xã hội Twitter, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost khẳng định, các vòng đàm phán sẽ bắt đầu sớm nhất có thể. Về phần mình, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier tin rằng hai tuần cuối cùng của tháng 10 sẽ là “thời kỳ quyết định”, với hy vọng rằng một thỏa thuận có thể sẵn sàng để phê chuẩn vào đầu tháng 11.

Cuộc điện đàm trên diễn ra chỉ một ngày sau khi các nhà đàm phán của EU và Anh kết thúc vòng đàm phán lần thứ 9 ở Brussels. Theo giới chức Anh, vòng đàm phán lần này đã diễn ra trên tinh thần tốt đẹp và vẫn có cơ hội đạt được thỏa thuận giữa hai bên. Những phác thảo khung của thỏa thuận được cho là đạt được sự nhất trí tại một số lĩnh vực.

Thực tế, hai bên sẽ phải giải quyết một số vấn đề chưa đạt được sự thống nhất trước đây, đặc biệt là cạnh tranh công bằng. EU muốn Anh cam kết các quy định của London trong các lĩnh vực như: Viện trợ nhà nước, tiêu chuẩn về xã hội và việc làm hay chính sách thuế... không khác quá xa so với quy định của Brussels. Ngược lại, Chính phủ Anh cho rằng một nhượng bộ như vậy sẽ làm tổn hại đến chủ quyền của nước này. Về lĩnh vực thủy sản, mục tiêu cuối cùng của EU là duy trì mối quan hệ gần gũi nhất có thể với mối quan hệ hiện có; trong khi Anh lại dự định đàm phán hằng năm về hạn ngạch với các nước thành viên EU. Mặt khác, EU và Anh còn phải đối mặt với sức ép lớn khi cả hai bên còn đang dốc sức ứng phó với làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai và tìm cách chấn hưng nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra. Nhiều chuyên gia cảnh báo về viễn cảnh Brexit không thỏa thuận nếu hai bên không chịu nhượng bộ lẫn nhau trong các vòng đàm phán tới đây. Trong trường hợp đó, quan hệ thương mại song phương hậu Brexit sẽ dựa trên các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Đến thời điểm hiện tại, EU và Anh đều tuyên bố vẫn đang cùng hướng tới một mục tiêu là đạt được thỏa thuận, qua đó cho phép tiến trình phê chuẩn diễn ra theo đúng kế hoạch, cũng như giúp thỏa thuận có thể có hiệu lực vào ngày 1-1-2021 khi giai đoạn chuyển tiếp hậu Brexit kết thúc.

VĂN HIẾU

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=152052