EU và Việt Nam sẽ ký FTA và IPA vào ngày 30-6, tại Hà Nội

Ngày 25-6, Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua hai hiệp định giữa EU và Việt Nam về thương mại tự do (EVFTA) và về bảo hộ đầu tư (EVIPA), mở đường cho việc ký kết các hiệp định này.

Cao ủy về thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom, và Bộ trưởng phụ trách về kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea sẽ đại diện cho EU ký các hiệp định trên tại Hà Nội vào ngày 30-6 tới. Đây là hai hiệp định tiêu chuẩn và tham vọng cao nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển dựa trên quy định pháp luật.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, với 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý-thể chế, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.

EU nhận định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa. Bên cạnh việc mang lại những cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA cũng bảo đảm thương mại, đầu tư và phát triển bền vững luôn song hành, bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn cao nhất về bảo hộ lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng.

Trong khi đó, EVIPA sẽ giúp bảo vệ và tăng đầu tư của EU vào Việt Nam. Điều này hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại Đông Nam Á.

“Tôi hoan nghênh quyết định ngày hôm nay của các nước thành viên EU. Sau Singapore, hiệp định (về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư) với Việt Nam là hiệp định thứ hai mà EU hoàn thành với một quốc gia Đông Nam Á, là hòn đá tảng thúc đẩy sự can dự lớn hơn giữa châu Âu và khu vực này. Đó cũng là một tuyên bố chính trị của hai đối tác, của hai người bạn cùng sát cánh vì một nền thương mại dựa trên luật lệ, cởi mở và công bằng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói. Trong khi đó, Cao ủy về thương mại Cecilia Malmstrom ca ngợi tiềm năng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn và năng động với hơn 95 triệu người tiêu dùng, và cả hai phía có rất nhiều điều có lợi từ quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn.

Theo lịch trình, sau khi được ký kết, EVFTA và EVIPA sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và nghị viện của tất cả các nước thành viên EU bỏ phiếu thông qua. Theo đánh giá, EVFTA sẽ được EP thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. Còn EVIPA sẽ mất nhiều thời gian hơn, ít nhất là hai năm để EP và nghị viện của các quốc gia thành viên EU thông qua.

LINH OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/eu-va-viet-nam-se-ky-fta-va-ipa-vao-ngay-30-6-tai-ha-noi-580796