EU với vai trò cân bằng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong cuộc khảo sát 'trạng thái Đông Nam Á' năm 2021, EU đã đứng đầu với tư cách là đối tác đáng tin cậy và được ưu tiên hàng đầu để chống lại sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, trước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Anh. Tuy nhiên, những thách thức còn ở phía trước.

Một trong những thách thức đó là mức độ can dự và sự hiểu biết về khu vực không đồng đều, đồng nghĩa với việc các quốc gia thành viên châu Âu cần phải làm việc cùng nhau để tạo ra một mặt trận thống nhất và gắn kết. Do các khả năng thực thi quyền lực cứng bị hạn chế bởi các chế định, EU sẽ cần phải tận dụng thế mạnh tổng hợp của các thành viên. Điều đó có thể là áp dụng một chương trình nghị sự chuẩn mực, tập trung vào chủ nghĩa đa phương, chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực khác nhau và cải thiện khả năng dễ dàng kinh doanh để tận dụng lợi thế của các nền kinh tế đang phát triển của khu vực.

 Tàu sân bay Charles de Gaulle được ví như một đại diện thu nhỏ của châu Âu trong sứ mệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tàu sân bay Charles de Gaulle được ví như một đại diện thu nhỏ của châu Âu trong sứ mệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cách các nước châu Âu cân bằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với các ưu tiên khác gần gũi hơn và trực tiếp hơn (như khu vực châu Âu - Đại Tây Dương chẳng hạn) có thể không nhất quán. Nhưng, cho dù là do các nguồn lực hạn chế đang cản trở sự hiện diện đáng kể ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc nguồn vốn chính trị hạn chế do các ưu tiên đơn giản là nằm gần trong nước hơn (như trường hợp của Đức với EU), châu Âu phải đạt được sự cân bằng mong manh giữa chủ nghĩa thực dụng và các nguyên tắc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Châu Âu đã có lịch sử hợp tác dưới hình thức hợp tác quân sự Anh - Pháp, bao gồm cuộc tập trận 2 tàu sân bay ở Địa Trung hải giữa nhóm tàu sân bay tấn công của Anh, tàu sân bay Charles de Gaulle và các đối tác NATO. Sự sẵn sàng hợp tác cũng được thể hiện qua việc đưa Italy, Bồ Đào Nha và Đan Mạch tham gia chuyến đi của tàu sân bay Charles de Gaulle tới khu vực vào năm 2019 và sự tham gia hiện tại của Hà Lan trong hoạt động triển khai nhóm tấn công tàu sân bay do Anh dẫn đầu (CS21). EU đang xem xét điều phối các “tài sản” hải quân và không quân của các quốc gia thành viên, trên cơ sở tự nguyện, như một cách bảo đảm sự hiện diện hàng hải có thể nhìn thấy trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự can dự quân sự của châu Âu ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng có khả năng phản tác dụng. Nhiều nước châu Âu không quen với các động lực an ninh phức tạp của khu vực này.

Việc châu Âu can dự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chính là vì sự ổn định của khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng của châu Âu. Đối với các nước châu Âu có lãnh thổ và dân số lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhu cầu phải ưu tiên khu vực là rất rõ ràng. Hơn nữa, Anh và EU đã hoạt động tích cực trong khu vực - từ hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực và giúp các quốc gia biết rõ những gì và quan trọng hơn là ai đang đi qua vùng biển quốc gia của họ, danh sách các dự án đang được thực hiện còn dài. Việc có một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là cơ hội để các nước châu Âu và EU đảm bảo rằng các chương trình này phù hợp với các lợi ích và ưu tiên quốc gia, quan trọng hơn là đáp ứng các nhu cầu cấp bách nhất của khu vực và hỗ trợ các nỗ lực của các đối tác khu vực quan trọng nhất.

Bằng cách can dự và hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các nước châu Âu có thể cung cấp các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc về các nguồn thương mại, đầu tư và công nghệ. Thật đáng khích lệ khi người ta thấy chiến lược của EU và báo cáo đánh giá tổng hợp của Anh thảo luận về chuỗi cung ứng và công nghệ có sức chống đỡ, y tế toàn cầu và kết nối.

Tại đây, châu Âu có thể tham gia các cuộc thảo luận chính xung quanh các quy chuẩn, tiêu chuẩn và cung cấp hàng hóa công. EU và Anh đều đang phát triển hơn nữa các chính sách sàng lọc đầu tư của mình để bảo vệ tài sản trí tuệ, các công nghệ và cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của họ và có thể hỗ trợ các quốc gia ở khu vực này thiết lập các cơ chế tương tự.

 Việc châu Âu can dự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là vì sự ổn định của khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng của họ.

Việc châu Âu can dự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là vì sự ổn định của khu vực này ảnh hưởng trực tiếp đến sự thịnh vượng của họ.

Có nhiều cách để châu Âu đóng góp một cách có ý nghĩa vào sự ổn định và an ninh của khu vực này, ngay cả với những hạn chế và sự thiếu nguồn lực nêu trên. Câu hỏi lớn hơn là ý chí chính trị. Liệu một nước Đức thời hậu Merkel có thay đổi lập trường để cho phép châu Âu có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Mỹ? Liệu những cân nhắc thương mại cuối cùng có ngăn được Anh có lập trường cứng rắn với Trung Quốc, vốn cản trở việc châu Âu thâm nhập khu vực này hay không?

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thực tế chính trị có thể đòi hỏi sự thay đổi các ưu tiên ở châu Âu. Việc tạo ra một mặt trận thống nhất và phối hợp cao sẽ có ý nghĩa nhất định đối với kết quả của một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiệu quả, cho cả châu Âu và các đối tác trong khu vực này.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/eu-voi-vai-tro-can-bang-o-an-do-duong-thai-binh-duong-649600/