EU yêu cầu kiểm tra hiệu quả vắcxin trước biến thể mới của SARS-CoV-2

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền đông Đức ngày 22/1/2021 - Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 10/2, Cơ quan Quản lý dược phẩm (EMA) của Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị các nhà sản xuất vắcxin tiến hành kiểm tra xem liệu vắcxin của họ có bảo vệ con người trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được không.

Việc một số biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện gần đây là dấy lên lo ngại về nguy cơ tăng số ca nhiễm, trong khi virus gây bệnh có thể "nhờn" vắcxin. EMA cho biết đang soạn thảo một bản hướng dẫn mới dành cho các nhà sản xuất đang lên kế hoạch điều chỉnh vắcxin hiện tại để ứng phó với các biến thể mới của virus.

Để cân nhắc các khả năng thử nghiệm và phát triển vắcxin có hiệu quả với các biến thể mới, EMA "đã đề nghị tất cả các hãng dược điều tra xem liệu vắcxin của họ có thể bảo vệ con người chống lại các biến thể mới của virus hay không”.

Các biến thể mới này bao gồm cả các biến thể đã được xác định tại Anh, Nam Phi và Brazil. EMA cũng đề nghị các nhà phát triển "công bố các dữ liệu liên quan," đồng thời cho biết "có nhiều lo ngại rằng một vài biến thể mới có thể tác động ở mức độ khác nhau đến khả năng vắcxin bảo vệ con người trước dịch COVID-19”.

Tuy nhiên, EMA cũng nói rõ rằng thông tin về việc vắcxin giảm hiệu quả bảo vệ đối với bệnh thể nhẹ "không đồng nghĩa với việc giảm khả năng bảo vệ đối với các thể nặng," vì vậy "cần có thêm bằng chứng”.

Đến nay, EMA đã phê chuẩn 3 vắcxin để sử dụng trong Liên minh châu Âu (EU), gồm vắcxin của các hãng dược Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca/Oxford (Thụy Điển - Anh).

Hãng Pfizer/BioNTech cho biết vắcxin của họ vẫn hiệu quả đối với các biến thể mới và các phát hiện sơ bộ "không cho thấy cần một vắcxin mới". Trước đó, Moderna cũng thông báo các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy vắcxin của họ bảo vệ tốt trước các biến thể được phát hiện tại Anh và Nam Phi.

Trong một diễn biến khác cùng ngày 11/2, AstraZeneca công bố lợi nhuận hằng năm tăng gấp đôi trong năm 2020 trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cấp phép sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của hãng cho người trên 65 tuổi, qua đó thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

Theo AstraZeneca, trong năm qua, lợi nhuận ròng của hãng đạt 3,2 tỷ USD, tăng 139% so với năm 2019. Kết quả này có được chủ yếu nhờ doanh thu thuốc điều trị ung thư tăng mạnh, trong đó thuốc Lynpanza và Tagrisso tăng tới 23%.

Giám đốc điều hành AstraZeneca Pascal Soriot cho biết mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, doanh thu của hãng vẫn tăng trưởng ở mức hai con số. Ông nhấn mạnh tiến bộ trong nghiên cứu, phát triển vắcxin ngừa COVID-19 đã cho thấy những thành quả mà hãng có thể đạt được.

Cùng ngày, WHO khẳng định vắcxin COVID-19 do hãng dược phẩm AstraZeneca phối hợp với trường Đại học Oxford của Anh phát triển có thể sử dụng đối với người trên 65 tuổi, và cả ở những nơi biến thể của virus SARS-CoV-2 đang hoành hành.

Tuyên bố của WHO được đưa ra sau khi một nghiên cứu công bố gần đây tại Nam Phi cho thấy vắcxin của AstraZeneca có hiệu quả hạn chế đối với biến thể xuất hiện ở quốc gia châu Phi này.

Vắcxin của AstraZeneca chiếm một lượng lớn trong Cơ chế phân phối vắcxin COVAX cho các nước nghèo hơn để đảm bảo phân phối vắcxin công bằng khắp thế giới. Hiện WHO và Liên hợp quốc đã phối hợp triển khai phân phối tổng cộng 337,21 triệu liều vắcxin tới khoảng 145 nước trong nửa đầu năm 2021 theo khuôn khổ COVAX.

Cùng ngày 11/2, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi khẳng định sẽ không loại bỏ vắcxin của AstraZeneca, đồng thời cho rằng cần nghiên cứu thêm về hiệu quả của vắcxin trong việc ngăn ngừa biến thể mới ở Nam Phi.

Phát biểu họp báo, Giám đốc CDC châu Phi John Nkengasong cho biết các kế hoạch phân phối 7 triệu liều vắcxin AstraZeneca ở châu Phi sẽ vẫn được triển khai dưới sự tài trợ của tập đoàn viễn thông Nam Phi MTN.

Trong khi đó, ngày 10/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết những người được tiêm đủ liều vắcxin phòng bệnh COVID-19 sẽ không cần cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh.

Trong thông báo, CDC nêu rõ: "Những người được tiêm chủng vắcxin đầy đủ, phù hợp với tiêu chí sẽ không cần thiết phải cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19”.

Theo CDC, các tiêu chí bao gồm những người tiếp xúc với COVID-19 đã được tiêm chủng đầy đủ, phơi nhiễm trong vòng 3 tháng sau khi nhận liều cuối cùng và họ vẫn không có triệu chứng kể từ lần phơi nhiễm hiện tại.

Mỹ hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng nhất, với hơn 27,8 triệu ca mắc và 483.000 ca tử vong, nhưng đỉnh dịch tại nước này xuất hiện vào ngày 8/1 vừa qua với số ca mắc đã giảm dần kể từ thời điểm đó.

Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu mới công bố cho thấy biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh đang lan nhanh tại Mỹ có nguy cơ dẫn đến làn sóng dịch bệnh mới tại nước này.

Theo Chương trình Tiêm chủng quốc gia Malaysia, nước này sẽ đề nghị tiêm vắcxin phòng COVID-19 miễn phí cho hàng triệu người nước ngoài. Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tìm cách kiểm soát các ổ lây nhiễm xuất hiện trong các nhà máy, đồn điền và công trường.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới, đồng thời là Bộ trưởng Điều phối chương tình tiêm chủng COVID-19 của Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết các nhà ngoại giao, người nước ngoài, sinh viên, gia đình người nước ngoài đang sinh sống tại Malaysia, người lao động nước ngoài sẽ được tiêm miễn phí trong đợt tiêm chủng này.

Nội các Malaysia cũng đã đồng ý cung cấp vắcxin miễn phí cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp. Tuy nhiên, Ủy ban Cung ứng vắcxin phòng COVID-19 của Chính phủ sẽ thảo luận thêm về cách thực hiện, đồng thời sẽ liên hệ với chính quyền các bang, đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ.

Trong tuyên bố, Ủy ban Cung ứng vắcxin COVID-19 của Chính phủ Malaysia cho biết quyết định tiêm vắcxin cho những nhóm trên được cho là cần thiết để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vì "không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.

Bên cạnh đó, tuyên bố nêu rõ người nước ngoài đã trở thành một phần trong cộng đồng ở Malaysia và đóng góp vào nền kinh tế của nước này. Thông tin chi tiết về lịch tiêm vắcxin cho người nước ngoài sẽ được thông báo cụ thể sau.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252248/eu-yeu-cau-kiem-tra-hieu-qua-vacxin-truoc-bien-the-moi-cua-sars-cov-2.html