Evergrande chìm sâu hơn vào khủng hoảng, có nguy cơ bị thanh lý
Diễn biến này khiến tương lai của Evergrande càng thêm phần bấp bênh, giữa lúc kế hoạch tái cơ cấu nợ của công ty với các chủ nợ ở nước ngoài lung lay...
Cuộc khủng hoảng tại China Evergrande Group trở nên căng thẳng hơn vào ngày 25/9, khi công ty bất động sản khổng lồ của Trung Quốc cho biết đã trễ hạn thanh toán một lô trái phiếu phát hành tại thị trường đại lục. Diễn biến này khiến tương lai của Evergrande càng thêm phần bấp bênh, giữa lúc kế hoạch tái cơ cấu nợ của công ty với các chủ nợ ở nước ngoài lung lay – theo hãng tin Bloomberg.
Evergrande, công ty nằm ở tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, cho biết Hengda Real Estate Group Co. – một công ty con của Evergrande ở đại lục - đã vỡ nợ lô trái phiếu trị giá 4 tỷ nhân dân tệ, tương đương 547 triệu USD, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi, đáo hạn ngày 25/9. Hồi tháng 3, Hengda đã trễ hạn trả lãi của lô trái phiếu nhân dân tệ có lãi suất cuống phiếu 5,8%/năm phát hành năm 2020 này. Ở thời điểm đó, Hengda nói sẽ đàm phán tích cực với chủ nợ để tìm giải pháp. Trong tuyên bố ngày 25/9, Hengda tiếp tục nhắc lại lời hứa như vậy.
Cuộc tái cơ cấu nợ của Evergrande là lớn chưa từng có ở Trung Quốc, và đang có biểu hiện đi trệch hướng khi trong những ngày gần đây, công ty liên tục gặp trở ngại, dẫn tới nguy cơ phải thanh lý tài sản. Giới phân tích nói rằng Evergrande không còn nhiều thời gian để đưa cuộc tái cơ cấu này trở lại đúng hướng. Một loạt cuộc gặp quan trọng với chủ nợ đã bị Evergrande hủy vào phút chót, khi công ty nói cần xem lại kế hoạch tái cơ cấu, nhân viên của bộ phận quản lý tài sản bị cơ quan chức năng bắt giữ, và công ty không thể đáp ứng các tiêu chuẩn của nhà chức trách để phát hành trái phiếu mới.
KẾ HOẠCH TÁI CƠ CẤU NỢ GẶP KHÓ
Việc Evergrande không thể phát hành trái phiếu mới là một đòn giáng mạnh vào kế hoạch tái cơ cấu số nợ trái phiếu quốc tế trị giá 30 tỷ USD mà theo đó chủ nợ sẽ được hoán đổi nợ cũ lấy nợ mới. Trong phiên ngày 25/9, giá cổ phiếu Evergrande có lúc giảm 25%.
Trong một diễn biến khác, tờ Caixin ngày 25/9 đưa tin Xia Haijun, một cựu CEO của Evergrande và Pan Darong, một cựu Giám đốc tài chính của công ty đã bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ.
Được xem là hiện thân của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc, Evergrande đang đương đầu với sức ép lớn phải hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu nợ quốc tế, giữa lúc công ty xoay sở với tổng nghĩa vụ nợ lên tới 2,39 nghìn tỷ nhân dân tệ - khối nợ đưa Evergrande vào hàng ngũ doanh nghiệp địa ốc nợ nhiều nhất thế giới. Vào ngày 30/10 tới, Evergrande sẽ phải ra đối chất tại một tòa án ở Hồng Kông liên quan tới một đơn kiện đòi công ty phải giải thể. Vụ kiện này có khả năng sẽ đẩy Evergrande tới chỗ thanh lý tài sản.
Hôm Chủ nhật, Evergrande cho biết công ty không thể đáp ứng các yêu cầu của Ủy ban Điều tiết chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Ủy ban Cải cách và phát triển Quốc gia (NDRC) về phát hành trái phiếu mới.
Những rắc rối mới nhất ở Evergrande làm gia tăng lo ngại về sự leo thang của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc. Phiên ngày 25/9, cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đại lục niêm yết tại Hồng Kông giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng, nâng tổng thiệt hại về vốn hóa của các doanh nghiệp này từ đầu năm đến nay lên 55 tỷ USD.
Cổ phiếu China Aoyuan Group Ltd., một công ty bất động sản Trung Quốc, giảm kỷ lục ngay trong phiên giao dịch đầu tiên sau một thời gian tạm ngừng giao dịch. Oceanwide Holdings Ltd., một công ty đầu tư bất động sản, đối mặt với lệnh của tòa án yêu cầu thanh lý tài sản.
CHỦ NỢ MẤT KIÊN NHẪN
Hôm thứ Sáu, Evergrande hủy một loạt cuộc họp quan trọng với chủ nợ dự kiến diễn ra trong tuần này, và cho biết phải đánh giá lại kế hoạch tái cơ cấu nợ đã đề xuất. Công ty cho biết doanh số bán nhà không được như kỳ vọng.
“Nhiều công sức đã đổ vào việc lên kế hoạch tái cơ cấu nợ của Evergrande, nhưng nếu các dự báo doanh số mà kế hoạch đó dựa vào khó trở thành hiện thực, thì công ty tốt hơn hết phải xem lại các điều khoản trước khi họp với chủ nợ”, chuyên gia về tái cơ cấu nợ Jonathan Lietch của công ty luật Hogan Lovells nhận định. Ông Lietch cũng cho rằng việc trì hoãn “sẽ tạo thêm bấp bênh và tiếp tục thử thách sự kiên nhẫn của chủ nợ”.
Cách đây khoảng 1 tuần, nhà chức trách Trung Quốc đã bắt một số nhân viên bộ phận quản lý tài sản của Evergrande - một dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng của công ty đã bước vào một giai đoạn mới, có sự vào cuộc của hệ thống tư pháp hình sự. Những diễn biến này cũng xảy ra đúng vào lúc hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn của Trung Quốc đương đầu sức ép lớn, gồm Country Garden Holdings - công ty đang có nguy cơ vỡ nợ vì các khoản nợ trái phiếu liên tiếp đáo hạn.
Cuộc khủng hoảng bất động sản căng thẳng của Trung Quốc đang đẩy cao mối lo của các quỹ đầu tư toàn cầu về tài sản Trung Quốc. Trái phiếu rác (junk bond - hạng không khuyến nghị đầu tư) ngoại tệ của Trung Quốc, loại trái phiếu mà các công ty bất động sản nước này thường phát hành để huy động vốn ở nước ngoài và từng là một trong những loại trái phiếu mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới, đã mất hơn 127 tỷ USD giá trị kể từ khi lập đỉnh cách đây 2 năm rưỡi.
Không chỉ Evergrande, nhiều công ty bất động sản Trung Quốc khác cũng đang đối mặt với các vụ kiện của chủ nợ nước ngoài sốt ruột với tốc độ chậm chạp của các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ. Những vụ kiện như vậy có thể dẫn tới việc tòa án yêu cầu doanh nghiệp thanh lý tài sản.