Evergrande chìm sâu trong khủng hoảng ngành bất động sản
Khủng hoảng của tập đoàn Evergrande vẫn chưa có hồi kết khi công ty con của Evegrande tiếp tục lỡ hạn thanh toán, còn kế hoạch tái cấu trúc cũng có nguy cơ đổ bể vì không được phát hành trái phiếu mới.
Ngày 25/9, Hengda Real Estate Group - chi nhánh tại Trung Quốc của tập đoàn bất động sản China Evergrande Group cho biết họ không thể hoàn trả lô trái phiếu trong nước trị giá 4 tỷ Nhân dân tệ (547 triệu USD) kèm lãi suất. Hồi tháng 3 năm nay, Hengda cũng đã lỡ hạn trả lãi với lô trái phiếu này.
Hengda sẽ tích cực đàm phán với các trái chủ để tìm ra giải pháp, cam kết này đã từng được đưa ra và tiếp tục lặp lại trong thông báo ngày hôm qua (25/9).
Gần đây, tập đoàn Evergrande phải đối mặt với hàng loạt rắc rối mới. Vào cuối tuần trước, công ty đã hủy họp với các chủ nợ vào phút chót và phải xem lại kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trước đó, một số nhân viên của bộ phận quản lý tài sản đã bị giam giữ. Hãng tin Caixin cho biết, Xia Haijun, cựu CEO của Evergrande và cựu CFO Pan Darong đã bị cảnh sát bắt giữ.
Đáng chú ý nhất, tập đoàn cũng không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu mới do Hengda Real Estate Group đang bị điều tra.
Việc bị cấm phát hành trái phiếu mới có thể sẽ là tổn thất lớn với kế hoạch tái cấu trúc ít nhất 30 tỷ nợ nước ngoài của tập đoàn Evergrande.
Theo kế hoạch đề ra, các chủ nợ của tập đoàn Evergrande sẽ hoán đổi các trái phiếu đã vỡ nợ thành các trái phiếu mới, nhưng hiện tại thì họ không thể làm vậy. Sau khi thông tin này được công bố, cổ phiếu Evergrande đã lao dốc 25% trong ngày 25/09.
Evergrande là một trong những nhà phát triển bất động sản phải chịu cuộc khủng hoảng bất động sản lớn ở Trung Quốc. Công ty này chuẩn bị bước vào phiên điều trần ngày 30/10 tại tòa án Hồng Kông khi có đơn khởi kiện, yêu cầu Evergrande phải thanh lý công ty.
Những rắc rối mới nhất ở Evergrande khiến nỗi ngại về lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đang bùng lên trở lại. Chỉ số theo dõi các doanh nghiệp phát triển Trung Quốc của Bloomberg đã giảm mạnh ở phiên 25/09, và khiến vốn hóa của họ bốc hơi khoảng 55 tỷ USD.
Ngoài Evergrande, tháng trước, Country Garden, tập đoàn phát triển lớn nhất nước này, cũng khiến thị trường dậy sóng khi không kịp trả lãi trái phiếu USD đúng thời hạn ban đầu.
Trước những vấn đề đang hiện hữu, một số nhà quản lý tài sản toàn cầu nhận định rằng các tài sản của Trung Quốc đang thuộc nhóm không thể đầu tư. Trái phiếu rác ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc đã mất hơn 127 tỷ USD giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào 2 năm rưỡi trước.
Đối với tập đoàn bất động sản Evergrande, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu mới có thể sẽ khiến kế hoạch tái cơ cấu của họ thay đổi đáng kể. Trong một đề xuất hồi tháng 3, tập đoàn này đã đưa ra lựa chọn cho các chủ nợ, họ có thể nhận trái phiếu mới có kỳ hạn từ 10-12 năm hoặc lựa chọn chứng khoán liên kết với vốn chủ sở hữu.