EVFTA củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu

Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đang tiến gần đến kỷ niệm 4 năm kể từ ngày có hiệu lực (ngày 1/8/2024), khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, EVFTA chắc chắn đã mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp châu Âu, đồng thời củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư từ châu lục này.

Bên cạnh thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, EVFTA cũng giúp củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu lục này. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Bên cạnh thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, EVFTA cũng giúp củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu lục này. (Ảnh minh họa: THÀNH ĐẠT)

Khảo sát của EuroCham đã vẽ nên một bức tranh tổng quát về tác động của hiệp định. Theo đó, sau gần 4 năm đi vào hiệu lực, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản.

Tuy nhiên, mức tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam khiêm tốn hơn nhiều, chỉ tăng từ 11 tỷ euro lên 11,4 tỷ euro trong cùng kỳ.

Sau gần 4 năm đi vào hiệu lực, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019 lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023.

Song theo nhận định của EuroCham, EVFTA chắc chắn đã củng cố sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư châu Âu. Khối Liên minh châu Âu (EU), vốn là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, đã rót 28 tỷ euro vào 2.450 dự án, nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng của Việt Nam.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư EU đã bổ sung 800 triệu euro vào đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9/2023, đi ngược lại xu hướng FDI đang giảm trên toàn cầu.

Kết quả khảo sát cho thấy, EVFTA mang lại tác động ngày càng tăng với doanh nghiệp châu Âu. Theo đó, gần 2/3 số doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát cho biết đã nhận được lợi ích ở những mức độ khác nhau.

EVFTA mang lại tác động ngày càng tăng đối với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. (Nguồn: EuroCham)

EVFTA mang lại tác động ngày càng tăng đối với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. (Nguồn: EuroCham)

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp được hưởng lợi từ trung bình đến đáng kể từ hiệp định đã tăng hơn 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, với 27% doanh nghiệp báo cáo tác động tích cực trong năm nay (hiện đang nhận được những lợi ích từ mức độ vừa đến rất lớn), tăng đáng kể so với 18% của năm ngoái, trong khi số doanh nghiệp chưa thấy lợi ích giảm so với 31% vào năm 2023 xuống còn 1/4.

EuroCham cũng đề cập những lợi ích chính từ hiệp định gồm việc giảm thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, cùng với chuỗi cung ứng hợp lý, cải thiện tính minh bạch trong kinh doanh và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ hơn.

Tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA

Tuy nhiên, khảo sát BCI cũng cho thấy một số trở ngại mà các doanh nghiệp châu Âu phải đối mặt khi tận dụng tối đa EVFTA, bao gồm các vấn đề liên quan yêu cầu pháp lý, công nhận các tiêu chuẩn quốc tế, nhận thức về thỏa thuận, thủ tục thông quan, các rào cản kỹ thuật đặc biệt là trong lĩnh vực chứng nhận và thử nghiệm sản phẩm…

Nhấn mạnh EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, khi bước vào năm thứ 5 của thỏa thuận, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và bảo đảm hiểu biết về cách thức hoạt động của EVFTA.

Ông Meichle cũng khẳng định, sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng Việt Nam để giải quyết những thách thức còn tồn tại và bảo đảm cả doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu đều có thể tận dụng tối đa các cơ hội mà thỏa thuận mang tính bước ngoặt này mang lại.

Ngoài ra, EuroCham Việt Nam đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) như một bước quan trọng để “mở khóa” toàn bộ tiềm năng của EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mặc dù các tổ chức EU đã phê duyệt, EVIPA vẫn yêu cầu phê chuẩn riêng lẻ từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU, với 18 quốc gia thành viên đã phê chuẩn hiệp định này.

Theo EuroCham, EVFTA là một hiệp định mang tính bước ngoặt, trở thành chất xúc tác quan trọng cho thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.

Là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có thỏa thuận toàn diện như vậy với EU, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các nước láng giềng vẫn đang trong giai đoạn đàm phán.

Các mục tiêu đầy tham vọng của EVFTA là xóa bỏ gần như tất cả các loại thuế quan, giảm rào cản pháp lý và cắt giảm thủ tục hành chính đã có tác động giúp tăng cường thương mại và đầu tư song phương.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/evfta-cung-co-suc-hap-dan-cua-viet-nam-doi-voi-cac-nha-dau-tu-chau-au-5016853.html