EVFTA giúp Việt Nam 'đón sóng' đầu tư vào công nghệ 4.0
Hiệp định EVFTA hoàn tất sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cùng với những ưu đãi ngày càng gia tăng vào các dự án đổi mới công nghệ cao và sự tập trung mạnh mẽ hơn và bền vững về môi trường và tiêu chuẩn lao động được nâng cao.
Ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho rằng, những lợi ích này sẽ khuyến khích các công ty công nghệ cao, như Ericsson mở rộng cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án Internet vạn vật (IoT) và công nghệ 4.0, các sáng kiến sản xuất thông minh và cơ sở Nghiên cứu & Phát triển (R&D). Ví dụ, Ericsson Việt Nam gần đây đã mở một “Trung tâm Sáng tạo IoT” ở Hòa Lạc cùng với Bộ KH&CN. Đồng thời cũng đã thử nghiệm cuộc gọi 5G đầu tiên tại Việt Nam với Viettel vào tháng 10/5/2019, nhằm xúc tiến đầu tư vào mạng lưới 5G trong tương lai, dự kiến vào năm 2020. 5G là cơ sở thiết yếu để phát triển các nền tảng sáng tạo cho cách mạng công nghiệp 4.0, giúp thúc đẩy dòng đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ cao và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Là một DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, đại diện Ericsson Việt Nam tin tưởng, EVFTA sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP của Việt Nam nhờ nguồn đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cao và thương mại giữa EU với Việt Nam. Điều này sẽ tiếp tục thúc đẩy lưu lượng dữ liệu băng thông di động tăng đáng kể trên các mạng di động, đặc biệt là khi tất cả các ngành công nghiệp dần dần được chuyển đổi kỹ thuật số bởi cách mạng công nghiệp 4.0, được kích hoạt bởi IoT chạy trên nền tảng 5G.
Trong khi đó, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) tại Việt Nam nhìn nhận, EVFTA sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cho các DN ở cả châu Âu và Việt Nam. Nhờ loại bỏ thuế quan, giảm rào cản pháp lý và thủ tục hành chính chồng chéo, đảm bảo các chỉ dẫn địa lý, mở cửa thị trường dịch vụ và tiêu dùng, cũng như đảm bảo các quy tắc được thực thi, Hiệp định cũng giúp mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới trên một loạt các lĩnh vực.
Các DN châu Âu, trong đó có CHLB Đức sẽ mang công nghệ vào quản lý và đào tạo, cho phép sản xuất nhiều giá trị hơn, ít lãng phí tài nguyên hơn và tạo ra việc làm trong nước, từ đó thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam. "Kết quả khảo sát về Viễn cảnh DN toàn cầu do AHK thực hiện vào tháng 4 năm nay cho thấy DN Đức kỳ vọng tăng cường đầu tư hơn nữa tại Việt Nam vào năm 2020. 55% các DN Đức tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động tại Việt Nam và 59% sẽ tăng các vị trí việc làm. Họ rất trông đợi EVFTA sẽ góp phần cải thiện chính sách kinh tế tại Việt Nam trong dài hạn" - ông Marko Walde chia sẻ.
Theo đánh giá của các DN nước ngoài, việc loại bỏ thuế song phương và thuế xuất khẩu, cùng với giảm thiểu các hàng rào phi thuế quan về trao đổi hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại song phương đáng kể và tạo ra cơ hội mới để tiếp cận thị trường trên một loạt các lĩnh vực, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cho các DN EU tại Việt Nam. Những ngành hàng hưởng lợi nhất từ EVFTA có thể kể đến công nghiệp ô tô, năng lượng xanh, điện tử, CNTT, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe…
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/evfta-giup-viet-nam-don-song-dau-tu-vao-cong-nghe-40-346812.html