EVFTA: Không để thua trên 'sân nhà'

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được Quốc hội thông qua được ví như con đường cao tốc dẫn hàng Việt vào thị trường EU rộng lớn. Tuy nhiên, EVFTA cũng tạo ra những sức ép cạnh tranh lớn mà doanh nghiệp phải đối diện trên 'sân nhà', đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Sản phẩm chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sẽ chinh phục tốt thị trường nội địa.

Sản phẩm chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sẽ chinh phục tốt thị trường nội địa.

Sức ép từ hàng hóa chất lượng của EU

Có hai con đang trong độ tuổi sử dụng nhiều sữa bột, chị Hà Thị Yến (Đội Cấn, Hà Nội) thường xuyên đặt sữa xách tay từ Anh về cho con sử dụng. Chị chia sẻ: “Con tôi rất thích uống loại sữa này và khi sử dụng cháu mau lớn, khỏe mạnh, tăng cân nhưng chắc người chứ không bị béo nên dù giá đắt hơn so với sản phẩm trong nước nhưng tôi vẫn thường xuyên đặt về cho con sử dụng. Tiêu chuẩn của châu Âu cũng vào loại khắt khe nhất thế giới nên sử dụng cho trẻ nhỏ rất yên tâm. Sắp tới EVFTA có hiệu lực, hy vọng sản phẩm này vào Việt Nam với giá rẻ hơn”.

Tâm lý của chị Yến cũng là tâm lý chung của không ít người tiêu dùng Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Hiện nay, mức thuế của nhiều sản phẩm nhập khẩu từ EU khá cao nên sản phẩm đội giá cao. Sắp tới, khi EVFTA có hiệu lực, thuế giảm, nhiều sản phẩm sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với hiện nay.

Đơn cử, theo lộ trình cam kết của EVFTA, thuế nhập khẩu sản phẩm sữa sẽ giảm dần trong vòng ba năm, cạnh tranh gay gắt với sữa bột và các sản phẩm sữa trong nước. Chi phí sản xuất sữa bò ở Việt Nam cao hơn EU, cùng với năng suất trung bình thấp khiến lợi thế sản xuất sữa của Việt Nam thấp hơn EU. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) sữa Việt gần như không được hưởng lợi từ xuất khẩu, vì EU vẫn chưa cấp phép nhập khẩu sản phẩm sữa có xuất xứ từ Việt Nam.

Cùng với sữa nhập khẩu, nhiều nông sản khác như hoa quả, thịt gia súc gia cầm… từ EU cũng có cơ hội tăng thị phần tại Việt Nam theo lộ trình giảm thuế của EVFTA. Đơn cử, không chỉ đợi đến khi EVFTA có hiệu lực mà với các khung khổ hội nhập trước đây, lượng rau quả vào Việt Nam đã ngày càng gia tăng. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 487 triệu USD các sản phẩm rau quả, trái cây chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Hàn Quốc…

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lợi thế của trái cây nhập khẩu là mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, được bao gói lịch sự, bắt mắt, nhiều loại quả lạ mà Việt Nam không có.

Chưa kể, nếu như cách đây vài năm, mức giá của nhiều loại trái cây nhập khẩu khá cao và không nhiều người tiêu dùng có thể mua thì gần đây, giá đã giảm tương đối nhiều nhờ giảm thuế nên mức giá của nhiều loại cạnh tranh mạnh với sản phẩm nội địa. EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 8 tới sẽ giúp hàng loạt sản phẩm rau quả xuất xứ châu Âu vào Việt Nam với giá rẻ hơn hiện nay khá nhiều.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group lý giải thêm, hàng ngoại hơn hàng nội ở sự mới lạ và việc này sẽ kích thích sự tò mò của người tiêu dùng. Sau tò mò, nếu chất lượng sản phẩm cũng chinh phục tốt người tiêu dùng thì sẽ chiếm lĩnh được thị trường.

Chất lượng là yếu tố quyết định

Cạnh tranh của các sản phẩm ngay trên sân nhà là mặt trái mà ta buộc phải chấp nhận, song song với việc được hưởng lợi trong xuất khẩu nhờ giảm thuế. Để không thua trên sân nhà, theo các chuyên gia, mỗi ngành cần phải có chiến lược cụ thể để chiếm lĩnh thị trường khi Việt Nam hội nhập EVFTA. Trong đó, vấn đề quan trọng là tập trung đầu tư xây dựng liên kết giữa các nhà máy, các doanh nghiệp kinh doanh với nông dân sản xuất tại các vùng nguyên liệu để bảo đảm các vấn đề như truy xuất nguồn gốc, bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… tạo sức cạnh tranh cao, kịp thời chiếm lĩnh thị trường trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương hiệu, đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù, đặc sản mà riêng Việt Nam có để nâng được lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu.

Thực tế, mô hình của Công ty Vina T&T Group cũng đang đi theo hướng này. Cụ thể, công ty đã đầu tư rất mạnh vào vùng cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 850 ha. Với quan điểm chất lượng sản phẩm phục vụ nội địa cũng ngang với chất lượng sản phẩm xuất khẩu, công ty cũng đồng thời liên kết với người nông dân mở rộng vùng trồng theo hướng hữu cơ để đạt chứng nhận theo hướng GlobalGap nhằm tạo chất lượng ổn định cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, từ tháng 7-2019, công ty cũng mở một showroom chuyên quảng bá, trưng bày sản phẩm trái cây của T&T, đẹp mắt, trang trọng, an toàn. “Ý tưởng này xuất phát từ việc chúng tôi đi nhiều nơi, tham quan nhiều siêu thị nhận thấy sản phẩm của Việt Nam không được quan tâm khâu trưng bày, trong khi đó, sản phẩm ngoại như táo, kiwi được trưng bày rất trang trọng trong những kệ hàng rất sáng, đẹp, bắt mắt. Điều này thực sự không công bằng. T&T đang đầu vào chuỗi bán lẻ trong nước và chuyên bán trái cây Việt Nam, cũng như đầu tư công nghệ bảo quản, đầu tư hình ảnh nhằm giúp sản phẩm sớm chiếm lĩnh thị trường nội địa”, ông Tùng cho hay.

Tương tự, Công ty CP Phúc Sinh cũng có một showroom trưng bày các sản phẩm chế biến từ cà phê và tiêu mà công ty này đang phát triển cho thị trường nội địa. Gần 50 chủng loại hàng từ hai sản phẩm này, với thiết kế màu sắc hiện đại và bắt mắt cũng được trưng bày trong các hệ thống bán lẻ lớn trên khắp cả nước. Điểm chung là các sản phẩm đều minh bạch từ vùng trồng đến các tiêu chuẩn trong chế biến và vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính. “Dành đặc sản chỉ phục vụ xuất khẩu cho thị trường trong nước là cách Phúc Sinh đang làm để chinh phục thị trường nội địa”, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh cho biết.

Đầu năm nay, khi dịch Covid-19 bùng nổ, thị trường trong nước với 100 triệu dân đã chứng minh vai trò không thể thay thế khi doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì tăng trưởng hai con số, trong khi xuất khẩu lao đao vì dịch bệnh. Xuất khẩu được dự báo vẫn khó khăn trong ngắn hạn và thị trường trong nước vẫn là cứu cánh cho các doanh nghiệp, là động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế. Thay đổi để không bị thua ngay trên “sân nhà” khi các khung khổ hội nhập được thực thi chính là cách để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

[Infographic] Đánh giá tác động của EVFTA tới Việt Nam

[Infographic] Các nhóm hàng chủ lực được hưởng lợi gì từ EVFTA ?

HÀ ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/44828902-evfta-khong-de-thua-tren-%E2%80%9Csan-nha%E2%80%9D.html