EVN bắt tay 'ông lớn' năng lượng Trung Quốc, tìm lời giải cho bài toán lưu trữ điện
Chiều 23/7, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm đã tiếp và làm việc với đoàn công tác Hiệp hội Lưu trữ năng lượng tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), do bà Chu Sa - Tổng thư ký hiệp hội dẫn đầu.
Tại buổi làm việc, hai bên trao đổi về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực lưu trữ năng lượng - lĩnh vực có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng. Đại diện EVN đã chia sẻ tổng quan về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh). Trong những năm qua, nhờ các chính sách khuyến khích của Chính phủ, năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đã phát triển nhanh chóng.

Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm (chính giữa) trao đổi thông tin về lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng lớn nguồn tái tạo, EVN đã triển khai nhiều nỗ lực nhằm mở rộng nguồn điện. Trong đó, tập đoàn đầu tư vào các dự án thủy điện tích năng, nâng công suất các nhà máy thủy điện hiện hữu, đồng thời nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp lưu trữ năng lượng tiên tiến.
Phó tổng giám đốc Võ Quang Lâm bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lưu trữ năng lượng tỉnh Giang Tô chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt là các mô hình lưu trữ năng lượng đã triển khai hiệu quả tại Trung Quốc. EVN cũng quan tâm tới chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà kết hợp hệ thống lưu trữ BESS, một trong những hướng đi tiềm năng để tăng tính chủ động và an toàn trong cung ứng điện.
Về phía Hiệp hội Giang Tô, đại diện các doanh nghiệp đã giới thiệu lĩnh vực hoạt động, bao gồm sản xuất thiết bị lưu trữ và đầu tư các dự án năng lượng tái tạo. Lãnh đạo Hiệp hội bày tỏ mong muốn được hợp tác với EVN và các doanh nghiệp Việt Nam, phát huy thế mạnh hai bên, hướng tới phát triển bền vững ngành năng lượng.
Hiệp hội Lưu trữ năng lượng tỉnh Giang Tô được thành lập từ tháng 9/2021, là hiệp hội cấp tỉnh đầu tiên tại Trung Quốc trong lĩnh vực này. Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, mở rộng và hoàn thiện chuỗi ngành năng lượng lưu trữ tại địa phương. Đồng thời, tổ chức này là cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, tập trung vào các trụ cột then chốt như công nghệ, chính sách và hợp tác công nghiệp, cùng hướng đến mục tiêu trung hòa carbon.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được xây dựng với mục tiêu phát triển tối đa các nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… đồng thời tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và sản lượng điện sản xuất.
Do đó, việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng nhằm bảo đảm vận hành ổn định lưới điện cũng được đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, đối với nguồn điện lưu trữ, sẽ phát triển các nhà máy thủy điện tích năng với quy mô công suất khoảng 2.400-6.000 MW vào năm 2030; định hướng đến năm 2050, nâng công suất lên 20.691-21.327 MW để điều hòa phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Pin lưu trữ cũng sẽ được phát triển để phục vụ nhu cầu vận hành hệ thống điện và kết hợp với các nguồn năng lượng tái tạo. Các hệ thống pin sẽ được bố trí phân tán tại các trung tâm điện gió, điện mặt trời hoặc trên hệ thống điện tại các trung tâm phụ tải. Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất pin lưu trữ đạt 10.000-16.300 MW; đến năm 2050, công suất đạt 95.983-96.120 MW, tương ứng với tỷ trọng năng lượng tái tạo cao trong hệ thống điện quốc gia.