EVN chưa quyết toán xong chi phí sản xuất năm 2022

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg với nội dung về tăng giá bán lẻ điện bình quân.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện vẫn chưa thay đổi dù Chính phủ đã tăng khung giá bán lẻ điện bình quân.

Giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện vẫn chưa thay đổi dù Chính phủ đã tăng khung giá bán lẻ điện bình quân.

Trong khi đó, Bộ Công Thương vẫn đang đốc thúc EVN sớm quyết toán chi phí sản xuất, báo cáo tài chính để làm căn cứ tính toán cho giá bán lẻ điện sắp tới.

Tăng khung nhưng chưa chính thức tăng giá

Theo Quyết định 02/2023/QĐ-TTg, cụ thể, khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh. Mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

Khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.

Có thể hiểu, việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân là biện pháp mở đường cho tăng giá điện chứ chưa phải tăng giá ngay lập tức.

Khung giá bán lẻ điện bình quân là cơ sở để cơ quan chức năng tính toán cho giá bán lẻ điện sinh hoạt. Biên độ dao động sẽ trong khung giá bán lẻ điện bình quân đã được quy định.

Nhằm sớm đưa ra giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương đã đốc thúc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, cũng như làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán.

Đề xuất tăng giá điện diễn ra trong bối cảnh EVN đối diện khoản lỗ “khổng lồ” lên tới trên 31.000 tỷ đồng năm 2022 và có thể hơn gấp đôi trong năm 2023.

EVN lý giải về các khoản lỗ do nhiều nguyên nhân, như xung đột Nga – Ukaraine khiến giá than, dầu khí tăng mạnh. Cụ thể: Giá than thế giới tăng gấp 6 lần so với 2020, và 2,6 lần so với 2021. Giá khí đốt tại châu Âu cũng tăng 27 lần trong 2 năm 2021 và 2022.

Ngoài ra, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 36 triệu tấn than phục vụ sản xuất điện. Do đó, mức tăng giá than trong nước cũng tương ứng với mức tăng của thế giới – tức tăng khoảng 6 lần. Dầu khí cũng trong tình trạng tương tự. Do giá nhiên liệu sản xuất điện tăng, nên giá mua điện cũng tăng.

EVN cho biết, giá mua điện bình quân từ điện than tăng 408 đồng một kWh so với 2021. Riêng với nhà máy dùng than nhập khẩu, mức tăng này là 2.062 đồng một kWh. Giá mua điện khí cũng tăng hơn 183 đồng mỗi kWh so với năm ngoái.

Cũng theo EVN, năm 2022, sản lượng điện mua từ điện than khoảng 84 triệu kWh, và điện khí gần 29 triệu kWh. Vì thế, giá nhiên liệu than, khí tăng vọt đã khiến chi phí mua điện của EVN tăng gần 40.000 tỷ đồng.

Số lỗ dự kiến của EVN như vừa nêu trái ngược hoàn toàn với số liệu từ kết quả kinh doanh. Tổng doanh thu năm 2022 của EVN ước đạt 460.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021.

EVN cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan cho phép tăng giá bán điện nhằm tránh thua lỗ.

Tại sao không áp hạch toán doanh thu theo bậc?

Chuyên gia cho rằng, giá điện tăng cộng thêm những bất cập trong điều hành giá xăng dầu có thể trở thành áp lực kép đè nặng lên nền kinh tế Việt Nam. Trước mắt là mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế có thể không như ý muốn.

Ngoài ra, làm thế nào để người dân kiểm chứng được tính chính xác, minh bạch trong hạch toán tài chính của EVN như: Doanh thu bán điện theo mỗi bậc thế nào? Cơ cấu chi phí sản xuất điện ra sao?...

TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường – Bộ Công Thương cho rằng: Thị trường điện ở nước ta đặt dưới sự điều tiết của Nhà nước. Trong cơ cấu giá điện bán lẻ, Nhà nước đã tính toán bao gồm cả phần lãi dành cho bên bán điện.

Giá điện được tính trên cơ sở bao gồm nguồn phát điện - truyền tải điện - phân phối điện (cơ quan bán điện) - điều hành hệ thống điện - tỷ lệ lãi trong ngành điện. Tức là giá điện đã bao gồm chi phí lương bổng, chi phí hoạt động của cả ngành điện.

Được biết, EVN đang áp dụng cách tính giá điện lũy tiến theo 6 bậc bao gồm: Bậc 1: Từ 0-50kWh: 1.678 đồng/kWh. Bậc 2: Từ 51 – 100kWh: 1.734 đồng/kWh. Bậc 3: Từ 101 – 200 kWh: 2.014 đồng/kWh. Bậc 4: Từ 201 – 300 kWh: 2.536 đồng/kWh. Bậc 5: Từ 301 – 400 kWh: 2.834 đồng/kWh. Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên: 2.927 đồng/kWh.

TS Ngô Đức Lâm cho rằng, để minh bạch hơn trong cách tính giá điện và doanh thu của EVN thì Nhà nước nên áp dụng chính sách điện 1 giá. Đây là cách làm đơn giản nhất để minh bạch giá điện.

Theo TS Ngô Đức Lâm, nếu áp dụng điện 1 giá cũng cần tính toán lại cách hỗ trợ giá cho người nghèo, người yếu thế. Nguồn hỗ trợ có thể lấy từ quỹ bình ổn giá điện hoặc quỹ nào đó do Nhà nước điều hành. Qua đó, tách bạch giá bán và khoản hỗ trợ, tránh nhập nhằng như hiện nay.

Căn cứ khoản lỗ ước tính của EVN, có chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng cách tính giá điện theo bậc thì hạch toán doanh thu cũng phải theo bậc. Như vậy mới bóc tách cơ cấu doanh thu của từng bậc trong tổng doanh thu của EVN và cũng là căn cứ chính xác để Bộ Công Thương đưa ra giá bán lẻ điện bình quân chính xác.

Q.D

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/evn-chua-quyet-toan-xong-chi-phi-san-xuat-nam-2022-post625250.html