EVN đối thoại với doanh nghiệp tìm giải pháp 'gỡ vướng' cho điện sạch
Trong thời gian chờ đàm phán giá phát điện chuyển tiếp, các nhà đầu tư kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công Thương xem xét huy động ngay đối với các dự án chuyển tiếp đã đủ điều kiện vận hành để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp…
Với tinh thần khẩn trương và chủ động bàn giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về hợp đồng mua bán điện đối với các dự án chuyển tiếp, chiều 20/3/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức hội nghị trao đổi với chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp.
DUY NHẤT 01/85 CHỦ ĐẦU TƯ GỬI HỒ SƠ ĐÀM PHÁN GIÁ ĐIỆN
Tại hội nghị, đại diện Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã làm rõ các nội dung yêu cầu theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực về việc chuẩn bị hồ sơ phục vụ đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện.
Cụ thể, việc đàm phán giá điện đã tuân thủ theo Luật điện lực và Nghị định 37/NĐ-CP; Thông tư số 15/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 03/10/2022 quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Thông tư số 01/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 19/01/2023 bãi bỏ một số quy định tại TT số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 và Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020; Quyết định số 21/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 07/01/2023 về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Về nguyên tắc đàm phán giá phải đáp ứng 3 điều kiện gồm: Đã ký kết hợp đồng mua bán điện (PPA) với EVN nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá mua điện quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg; Nhà máy hoặc phần nhà máy này phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng; Bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành.
Đại diện EPTC cho biết Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 về khung giá trần (chưa bao gồm giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.
Các chủ đầu tư điện sạch “kêu cứu” nhưng chưa hợp tác
Đây là khung giá trần để EVN thỏa thuận giá mua điện từ các nhà máy điện tái tạo chuyển tiếp, vận hành thương mại sau hơn 2 năm chờ đợi, kể từ khi biểu giá điện hỗ trợ (giá FIT) hết hiệu lực.
Để tạo điều kiện cho chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đàm phán giá điện theo khung giá, Bộ Công Thương cũng đã có công văn khẩn yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với các chủ đầu tư dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện. Sau khi có chỉ đạo này, EVN đã có công văn gửi 85 chủ đầu tư đề nghị nộp hồ sơ theo quy định của Bộ Công Thương để sớm đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện chuyển tiếp.
Tuy nhiên, theo thông tin cập nhật của EPTC, tính đến ngày 20/3/2023, mới chỉ có duy nhất 01 chủ đầu tư gửi hồ sơ để chuẩn bị cho việc đàm phán hợp đồng mua bán điện và giá điện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công Thương.
CHẬM TRỄ…DO THIẾU HƯỚNG DẪN CỤ THỂ
Liên quan đến việc chậm nộp hồ sơ, tại hội nghị, nhiều chủ đầu tư nêu lý do là vì hướng dẫn của Bộ Công Thương chưa rõ ràng, chưa thấy được các định hướng cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Hơn nữa, khung giá điện ban hành có phần vội vàng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng Tập đoàn T&T Group, cho biết trong quá trình Bộ Công Thương ban hành Quyết định 21, EVN tính toán có một số điểm chưa thực sự phù hợp với thực tế đầu tư của các chủ đầu tư.
Vì vậy, bà Bình kiến nghị, trong thời gian chờ đàm phán giá phát điện chuyển tiếp, EVN, Bộ Công Thương xem xét huy động ngay công suất của dự án đủ điều kiện phát điện với giá tạm tính bằng 90% giá điện nhập khẩu để tránh lãng phí. Đây cũng là mong muốn chung của 36 chủ đầu tư dự án chuyển tiếp cùng ký tên trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2023 và căn cứ theo quy định trong Thông tư 15 của Bộ Công Thương.
Bổ sung thêm, ông Somchak Chutanan - đại diện Tập đoàn Phát triển Năng lượng Gulf (Thái Lan) cho rằng mức giá mà Bộ Công Thương ban hành thấp, khiến khó thực hiện dự án. Vì vậy, mong muốn tính toán thêm với các tư vấn, sử dụng thông số đầu vào hợp lý hơn để cho kết quả tốt hơn, bởi giá điện mặt trời cố định cạnh tranh hơn giá điện than, điện khí.
Đến nay, 34 dự án điện gió, điện mặt trời tương đương 2.091 MW đã hoàn thành đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án đã kiểm tra xong thử nghiệm của EVN, được Bộ Công Thương nghiệm thu. Như vậy có thể nói, các dự án này đã hoàn toàn đủ điều kiện để hòa lưới.
Theo đó, các chủ đầu tư kiến nghị, trong thời gian chờ cơ quan quản lý nhà nước xem xét lại khung giá, các chủ đầu tư thực hiện đàm phán với EVN thì nên huy động ngay đối với các dự án chuyển tiếp đã đủ điều kiện vận hành để tránh lãng phí nguồn lực xã hội, cũng như nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng đã giải đáp các câu hỏi của các nhà đầu tư. Trong đó, đối với các cơ chế ưu đãi, ông Hùng cho biết trước đây được thực hiện trong thời hạn nhất định. Vì vậy sau khi hết giá FIT, sẽ phải thực hiện theo cơ chế chuyển tiếp.
Trước một số quan điểm cho rằng chính sách ưu đãi năng lượng tái tạo không còn, ông Hùng khẳng định, các doanh nghiệp vẫn đang được hưởng một số ưu đãi nhất định, như việc vẫn áp dụng thời hạn giá trong 20 năm với điện gió chuyển tiếp.
Về ý kiến cho rằng các thủ tục rườm rà gây khó khăn cho nhà đầu tư, ông Hùng cho biết cần phải kiểm tra lại. Đồng thời, đề nghị EVN hướng dẫn chủ đầu tư quy trình. Trường hợp tài liệu còn thiếu, cho phép nhà đầu tư tiếp tục bổ sung, tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư, ông Trần Đình Nhân - Tổng Giám đốc EVN cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các nhà đầu tư, đồng thời mong muốn Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn phương pháp đàm phán theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ, làm căn cứ để EVN và chủ đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán.
“Riêng về vấn đề thỏa thuận đấu nối lưới điện, nếu thỏa thuận cũ đã ký hết hạn thì chủ đầu tư cần sớm làm việc với đơn vị vận hành lưới điện để rà soát, cập nhật lại các số liệu tính toán và tình trạng vận hành mới nhất”, ông Nhân đề nghị và cũng mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán, với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật.