EVN đứng trước nhiều thách thức trong năm 2024
Sáng 2/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo tại hội nghị, Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, năm 2023 Tập đoàn đối diện nhiều khó khăn khách quan và chủ quan làm ảnh hưởng đến cung ứng điện, giá nguyên liệu sản xuất điện vẫn ở mức cao, đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, tổng công suất nguồn đến cuối năm 2023 là hơn 80.556 MW, trong đó năng lượng tái tạo chiếm 26,9%, tua bin khí và dầu chiếm 10,3%, nhiệt điện than chiếm 33,2% và thủy điện là 28,4%. Nguồn của EVN chiếm 37,3%, TKV và Petrovietnam là 10%, còn lại là nhà đầu tư tư nhân và BOT.
Điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 249,779 tỉ kWh, trong đó giảm ở khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng trưởng ở khu vực tiêu dùng, các ngành dịch vụ. Giá trị giải ngân vốn đầu tư là 87.545 tỉ đồng, đạt 92,3% kế hoạch.
Doanh thu bán điện toàn tập đoàn năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022. Tổng giá trị tài sản hợp nhất toàn EVN ước tính đến hết năm 2023 là 630.537 tỉ đồng (bằng 94,7% so với năm 2022), trong đó vốn chủ sở hữu là 201.535 tỉ đồng (bằng 89,4% so với cùng kỳ năm 2022).
Năm 2023, mặc dù EVN đang cố gắng tối ưu hóa các chi phí để tiết giảm, nhưng việc cân đối tài chính của tập đoàn vẫn hết sức khó khăn. Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, năm 2024 cần có sự điều chỉnh chính sách về giá bán lẻ điện thì mới giải quyết được những khó khăn về tài chính của EVN.
“Việc cân đối tài chính của tập đoàn gặp rất nhiều khó khăn. EVN đang cố gắng hết mức tối ưu hóa chi phí, nhưng chỉ có hơn 20% để điều tiết, cố gắng thì đây như nhiệm vụ bất khả thi, không có hướng giải quyết”, ông Tuấn nói
Tổng giám đốc EVN cũng cho hay có nhiều yếu tố chủ quan cần rút kinh nghiệm. Đó là hạn chế trong điều chỉnh phụ tải, sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu dùng có phụ tải lớn để tăng cường sự chia sẻ với khách hàng.
Thêm nữa là việc huy động nguồn điện và điều tiết các hồ thủy điện, theo ông Tuấn đã có những sự chủ quan, lúng túng nhất định. Ngoài ra, công tác chuẩn bị nhiên liệu than còn hạn chế. Nhiều nhà máy bị sự cố, việc khắc phục sửa chữa còn chậm. Công tác đầu tư, các thủ tục đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng còn chậm…
Dự báo trong năm 2024, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt các khó khăn, thử thách. Tập đoàn xây dựng Kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được phát triển bền vững.
Báo cáo của EVN chỉ rõ, Tập đoàn đặt mục tiêu tập trung mọi nỗ lực nhằm cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Dự kiến một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chính của EVN năm 2024:
Điện thương phẩm: từ 262,26 - 269,3 tỉ kWh
Tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối: không vượt quá 6,05%
Năng suất lao động tăng trên 8%
Kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn: 101.911 tỉ đồng
Phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/evn-dung-truoc-nhieu-thach-thuc-trong-nam-2024-703116.html