EVN khuyến cáo 5 biện pháp sử dụng an toàn máy phát điện

Nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng an toàn máy phát điện trong gia đình, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có khuyến cáo về việc sử dụng loại thiết bị này.

Vì nhiều lý do, hiện nay vẫn còn nhiều hộ gia đình sử dụng máy phát điện để sản xuất điện cho sinh hoạt. Tuy nhiên do chủ quan hoặc không nắm rõ thông tin về kỹ thuật nên đã để xảy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Đơn cử như vụ việc 4 người tử vong, 2 người bị ngạt khí nặng do sử dụng máy phát điện tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm (Hà Nội) năm 2016. Hay vụ 10 người chết, 2 người bị thương tại 1 quán karaoke ở Hải Hà (Quảng Ninh) năm 2014. Và mới đây là vụ tai nạn ngạt khí nghiêm trọng làm 6 người tử vong ở Bình Dương.

Giới chuyên gia phân tích, khí CO khi hít phải sẽ liên kết với hemoglobin (Hb) trong hồng cầu, không cho máu chở khí oxy tới tế bào. Nếu khí CO2 quá cao sẽ gây ngạt thở, khiến nạn nhân hôn mê và tử vong. Khí CO2 không có màu, không vị, không mùi nên rất khó nhận biết được người có bị ngộ độc hay không.

Để tránh tái diễn tai nạn đáng tiếc khi sử dụng máy phát điện nhỏ trong gia đình, EVN khuyến cáo các hộ dân cần lưu ý một số nội dung sau.

1. Không sử dụng máy phát điện trong nhà và khu vực có không gian kín

Khi hoạt động, máy phát điện sẽ thải ra các khí độc như CO và CO2, đây là các loại khí không màu, không mùi nên khó nhận biết nhưng lại rất nguy hiểm, có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Khi máy phát điện hoạt động, nếu cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn thì nên ra ngoài ngay lập tức và tìm kiếm không gian thoáng đãng, trong lành để hít thở. Do vậy, không nên sử dụng máy phát điện trong nhà và trong các khu vực có không gian kín như tầng hầm, nhà để xe…

2. Không được vận hành máy phát điện dưới trời mưa và hết sức lưu ý vận hành khi trời nồm, ẩm ướt.

Do nước và không khí ẩm, nồm là môi trường nguy cơ cao làm dẫn điện hoặc phóng điện bề mặt nên không được vận hành máy phát điện trực tiếp dưới trời mưa hoặc khi trời nồm, ẩm ướt nhằm hạn chế tối thiểu tai nạn điện do điện giật. Nên đặt máy phát điện trên một bề mặt phẳng và khô ráo, thông thoáng không khí.

3. Không máy nối phát điện trực tiếp vào ổ cắm trên tường

Việc nối máy phát điện trực tiếp vào ổ cắm trên tường có thể làm dòng điện từ máy phát điện chạy ngược trở lại vào lưới điện, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, người sửa chữa điện trong lúc mất điện lưới, đồng thời có thể làm hư hại các thiết bị điện trong nhà. Nếu cần có nguồn điện dự phòng thường xuyên từ máy phát điện thì phải lắp đặt kèm theo một công tắc chuyển nguồn để đảm bảo an toàn.

4. Chú ý lưu trữ, bảo quản an toàn về nhiên liệu của máy phát điện

Các nhiên liệu để vận hành máy phát điện thường là các nguyên liệu dễ cháy như: xăng, dầu…. nên các nguyên liệu này cần được bảo quản ở những nơi nơi khô, mát, xa nhà, đặc biệt là tránh xa các vật liệu dễ cháy và những nguồn nguyên liệu khác.

5. Nên mua máy phát điện chính hãng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Khi có ý định tìm mua máy phát điện gia đình thì cần tìm hiểu những loại máy phát điện của những nhà sản xuất có tiếng trên thị trường. Lựa chọn những nhà phân phối chính hãng, uy tín để mua loại máy có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nếu mua loại máy phát điện có công suất nhỏ hơn nhu cầu sử dụng thì có thể gây tổn hại cho các thiết bị điện, máy phát điện cũng như tính mạng của người sử dụng./.

Trước đó, ngày 25/7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký ban hành Công điện 666/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngạt khí tại Bình Dương. Công điện yêu cầu các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị điện đúng quy định, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, nhất là việc người dân tự sử dụng máy phát điện cá nhân cho tiêu dùng điện.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/evn-khuyen-cao-5-bien-phap-su-dung-an-toan-may-phat-dien-215445.html