EVN kiến nghị điều chỉnh giá điện
Ngày 21-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Trong năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động trực tiếp tới hoạt động của EVN, đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao đã làm tăng chi phí sản xuất điện và ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm cân đối tài chính của EVN.
Báo cáo tại hội nghị, Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết, đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt gần 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165MW chiếm tỷ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Về sản xuất và cung ứng điện, năm 2022, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống là 268,4 tỷ kWh, tăng 5,26% so 2021; công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống là 45.434 MW, tăng 4,41%; sản lượng điện sản xuất và mua của EVN là 261,2 tỷ kWh, tăng 6,08%; điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 242,3 tỷ kWh, bằng 99,97% kế hoạch và tăng 7,53% so với năm 2021.
Lãnh đạo EVN nhấn mạnh năm 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với tập đoàn. Mặc dù doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 460,7 nghìn tỷ đồng (tăng 4,31% so với 2021). Tuy nhiên, toàn tập đoàn ước lỗ 31.360 tỷ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỷ giá tăng cao. EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.
Trong năm 2022, ông Nguyễn Tài Anh cho biết, EVN đã thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí. Trong đó, tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương cho cán bộ, công nhân viên với 80-90% mức lương bình quân năm 2020... nhờ đó đã tiết giảm chi phí là hơn 9.700 tỷ đồng.
Năm 2023, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính. Trong năm 2023, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới và Việt Nam được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tập đoàn lựa chọn chủ đề năm là “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
Năm 2023, EVN đặt ra mục tiêu tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; bảo đảm tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn.
Để hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2023, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 7-4-2014 Quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp của EVN giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, chấp thuận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho Dự án NMNĐ Quảng Trạch I.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, EVN kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg để giảm bớt khó khăn và bảo đảm cân bằng tài chính năm 2023 và các năm tiếp theo do giá nhiên liệu tăng cao.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/evn-kien-nghi-dieu-chinh-gia-dien-714475