EVN SPC: Đồng loạt ra quân để tăng tốc phát triển điện mặt trời

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã và đang đồng loạt ra quân để triển khai tới tất cả các Công ty Điện lực thành viên chiến dịch Phát triển Điện mặt trời để hoàn thành chỉ tiêu vận động khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất ≥ 95 MWp trong năm 2019 do EVN giao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Công ty Điện lực Bình Dương, Thực hiện ký kết văn bản hợp tác số 264.2018-CV-BKH ngày 20/6/2018 giữa Công ty cổ phần đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa (SolarBK) và Công ty Điện lực Bình Dương về hợp tác khuyến khích sử dụng điện năng lượng mặt trời hộ gia đình.

Theo đó, phối hợp cùng SolarBK và một số nhà cung cấp có uy tín lắp đặt Standee và Brochure về tuyên truyền trong công tác lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nối lưới điện. Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương Bình Dương và Nhà cung cấp tổ chức hội thảo điện năng lượng mặt trời áp mái nhà năm 2019, giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam, phân tích lợi ích, tính toán suất đầu tư cung cấp thông tin đến các khách hàng sử dụng điện, đoàn thể chính trị xã hội và các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn ngân sách... tham khảo, xem xét đầu tư.

Do đó, tính đến hết quý I/2019, Công ty Điện lực Bình Dương đã đầu tư dự án ĐMTMN tại Văn phòng Công ty và các đơn vị trực thuộc với công suất là 74,4 kWp, các dự án đã nghiệm thu hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 3/2018.Hiện nay, Công ty Điện lực Bình Dương đang triển khai các dự án điện mặt trời áp mái giai đoạn 2 (Văn phòng các Điện lực huyện và Đội Cao thế) với tổng công suất là 340,9kWp, dự kiến nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại trước 30/6/2019.

Cũng tính đến cuối quý 1/2019, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 70 chủ đầu tư đã đầu tư lắp đặt, phối hợp với ngành điện nghiệm thu, lắp đặt công tơ 2 chiều đưa vào vận hành thương mại hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 1.171,27kWp. Dự kiến trong năm 2019, Bình Dương sẽ đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất 340,9 kWp và một số dự án mô hình ESCO. Ngoài ra sẽ vận động khách hàng đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất 6.000 kWp trở lên.

Tại Công ty Điện lực Bình Thuận cũng đã tăng tốc triển khai nhiều chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tờ rơi; gửi thư ngỏ đến các khách hàng tiềm năng bảo đảm yêu cầu kỹ thuật lắp đặt hệ thống ĐMTMN như cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình...

Tính đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã lắp đặt 268 công trình với tổng công suất 5.081 kWp, vượt kế hoạch EVN SPC giao đến ngày 30/6/2019 là 3.581 kWp (kế hoạch giao 1.500 kWp) và vượt kế hoạch năm 2019 (kế hoạch là 4.500 kWp) là 581 kWp.

Riêng tại Công ty Điện lực Bình thuận cũng đã hoàn thành 8 công trình lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà tại 5 Điện lực trực thuộc trước ngày 30/6/2019 với tổng công suất 307,3 kWp.

Cuối tháng 7/2019 vừa qua, Công ty Điện lực Bạc Liêu cũng đã tổ chức Hội thảo “Quảng bá, tuyên truyền lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, Lãnh đạo Công ty, đại diện các cơ quan đoàn thể và đơn vị cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời (NLMT) cùng hơn 150 đại biểu là các khách hàng có tiềm năng lắp đặt NLMT trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Minh Chánh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bạc Liêu, với số giờ nắng dồi dào trong năm, bình quân từ 2.500 - 2.600 giờ và nhiệt độ trung bình hằng năm là 28,5 độ C nên Bạc Liêu rất thuận lợi cho việc lắp đặt ĐMTMN. Vì vậy, hội thảo sẽ là kênh thông tin hữu hiệu nhằm phổ biến, triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án ĐMTMN tại tỉnh Bạc Liêu.

Tại Công ty Điện lực Trà Vinh, tình hình triển khai chương trình phát triển điện mặt trời đang được ban lãnh đạo và toàn thể CBCNV tích cực triển khai tới từng hộ dùng điện. Cụ thể, theo ông Lâm Chí Dũng, nhân viên Điện lực thị xã Duyên Hải (Công ty Điện lực Trà Vinh) cho biết, tính đến cuối tháng 6/2019, trên địa bàn thị xã có gần 15 tổ chức, cá nhân lắp đặt ĐMTMN với gần 300Wp và đã được ngành điện lực lắp đặt công tơ điện đo đếm 2 chiều, nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng theo cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt.

Ví dụ như hộ gia đình của ông Phạm Hậu Giang (thị xã Duyên Hải), sau khi được Điện lực thị xã Duyên Hải tư vấn về hiệu quả của điện ĐMTMN, gia đình quyết định đầu tư hệ thống điện ĐMTMN có tổng vốn đầu tư 55 triệu đồng và đã chính thức vận hành vào ngày 15/4/2019.

Qua 2 tháng vận hành, tổng số điện của hệ thống phát lên 1.612kWp, mỗi tháng Điện lực thị xã Duyên Hải trả lại tiền mua điện gần 500.000 đồng. Trước đó, bình quân chi phí tiền điện của gia đình từ 1,1-1,2 triệu đồng/tháng và sau sau khi lắp đặt, gia đình chỉ trả khoảng 0,6-0,65 triệu đồng/tháng.

“Như vậy, theo dự tính của gia đình, khoảng 6 năm sẽ đủ nguồn vốn đầu tư và từ năm thứ 7 đến năm thứ 15 là lợi nhuận cho gia đình”, ông Phạm Hậu Giang hồ hởi chia sẻ.

Minh Thi

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/evnspc-dong-loat-ra-quan-de-tang-toc-phat-trien-dien-mat-troi/373023.vgp