Làm rõ đề xuất nạo vét luồng đoạn ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ của Novaland
Novaland muốn được Bộ GTVT cho phép thực hiện nạo vét luồng đường thủy nội địa, đoạn ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ, thuộc địa bàn quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland) liên quan đến đề xuất thực hiện nạo vét luồng đoạn ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm tra, rà soát hiện trạng, phạm vi khu vực Novaland đề nghị nạo vét.
Trong trường hợp việc nạo vét luồng ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ như theo đề nghị của Công ty thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 57/2024/NĐ-CP ngày 20/5/2024 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hướng dẫn Novaland thực hiện theo quy định của Nghị định và bổ sung hồ sơ thuyết minh sơ bộ về đề xuất thực hiện nạo vét.
Hồ sơ đảm bảo các nội dung chính như: sự cần thiết, phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; hiện trạng tuyến luồng; mục tiêu, quy mô, địa điểm thực hiện dự án; dự kiến khối lượng nạo vét; vị trí dự kiến đổ chất nạo vét.
Novaland cũng phải làm rõ tiến độ, thời gian thực hiện dự án; khả năng huy động vốn để thực hiện dự án; thuyết minh phương án tổ chức quản lý, thi công; đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa; đảm bảo vệ sinh môi trường; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phòng chống sạt lở, bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều, thủy lợi.
“Trên cơ sở xem xét, đánh giá các nội dung nói trên, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổng hợp, báo cáo, đề xuất Bộ GTVT để xem xét, trả lời Novaland”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2024, Novaland đã có văn bản đề xuất thực hiện nạo vét luồng ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ phục vụ khai thác bến khách ngang sông tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Quy mô tuyến luồng tương đương cấp đường thủy nội địa cấp III; bề rộng luồng hai chiều 54 m; độ sâu chạy tàu 3,7 m; đáp ứng cho đội tàu trọng tải 100 - 300 tấn.
Theo tính toán của Novaland, tổng khối lượng nạo vét dự kiến là 711.163 m3. Tim tuyến dài khoảng 638 m, bề rộng thiết lập vùng nước chạy tàu khoảng 268 m, bán kính cong từ 150 - 200 m, bề rộng luồng chuyển tiếp vào luồng nhánh 67 m.
Vùng quay tàu ra vào luồng nhánh có đường kính 60 m phục vụ chuyển hướng vào bến phía Cồn Ấu; luồng nhánh kết nối vào bến bề rộng 17 m (1 làn).
Về nguồn vốn và khả năng huy động vốn thực hiện dự án là vốn chủ sở hữu và vốn huy động hợp pháp của Novaland. Tiến độ triển khai thực hiện đầu tư dự kiến trong 2 năm (từ năm 2024 đến hết năm 2025).
Về phương án khai thác vận hành, Novaland cho biết là sẽ thực hiện đầu tư nạo vét cơ bản mới, khai thác vận hành hàng năm.
Tập đoàn địa ốc này khẳng định sẽ không lợi dụng thực hiện nạo vét để thu hồi, tận thu sản phẩm nạo vét; thực hiện đúng tiến độ, chất lượng, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn, môi trường, cảnh quan; tự chịu trách nhiệm hiệu quả đầu tư và kinh phí đầu tư; không yêu cầu nhà nước bồi hoàn chi phí.
Được biết, Cồn Ấu là một cồn nổi trên sông Hậu thuộc địa phận phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ, có diện tích khoảng 130 ha.
Khu vực Cồn Ấu hiện nay cơ bản đã được quy hoạch toàn diện, định hướng phát triển đô thị du lịch sinh thái, kết hợp khu vui chơi giải trí, thể thao cao cấp và đến nay đang triển khai thực hiện được 2 dự án là Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu và Dự án Sân Golf Cồn Ấu.
Vì vậy, Cồn Ấu sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trải nghiệm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng sang trọng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao, tạo điểm nhấn cho điểm đến du lịch TP. Cần Thơ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay tuyến giao thông kết nối từ khu vực trung tâm TP. Cần Thơ qua Cồn Ấu để vận chuyển khách du lịch, hàng hóa chủ yếu bằng tuyến đường thủy đi luồng đoạn ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ từ bến khách ngang sông tại phường Cái Khế.
Do quá trình động lực tự nhiên và ảnh hưởng của vị trí Cồn Ấu đã gây sa bồi vùng nước trước ngã ba cửa rạch Cần Thơ - sông Hậu hình thành nên cồn nổi nhỏ phía trước và tạo thành hai nhánh dòng chảy tại cửa rạch Cần Thơ.
Quá trình sa bồi diễn ra nhiều năm trong khi chưa có nguồn kinh phí để thực hiện nạo vét nên đã ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông thủy tại đây; các phương tiện có trọng tải lớn 100 đến 300 tấn từ tuyến hàng hải Định An - sông Hậu phải đi theo nhánh sông Hậu phía Tây Cồn Ấu để ra vào rạch Cần Thơ với quãng đường di chuyển dài làm gia tăng thời gian và chi phí vận tải.
Do đó, việc đầu tư nạo vét thiết lập luồng đoạn ngã ba sông Hậu - rạch Cần Thơ sẽ thuận lợi cho các phương tiện vận tải thủy vận chuyển hàng hóa và hành khách di chuyển từ bến khách ngang sông tại phường Cái Khế sang Cồn Ấu.
Công trình còn đồng thời tạo điều kiện cho các phương tiện thủy có tải trọng lớn 100 đến 300 tấn lưu thông ra vào giữa tuyến hàng hải Định An - sông Hậu với tuyến đường thủy nội địa rạch Cần Thơ được thuận lợi, giúp rút ngắn quãng đường di chuyển, giảm chi phí vận tải thủy.
Vào cuối tháng 9/2024, UBND TP. Cần Thơ ban hành Quyết định 2753/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu có tổng diện tích 19,43 ha, tại quận Cái Răng. Dự án do Novaland làm chủ đầu tư.
Theo đồ án quy hoạch, Khu đô thị du lịch sinh thái Cồn Ấu có tổng mức đầu tư hơn 708,7 tỷ đồng, thuộc một phần của Cồn Ấu (về phía thượng nguồn) được bao bọc bởi sông Hậu và các nhánh sông. Cơ cấu sử dụng đất cụ thể gồm: khu trung tâm - dịch vụ - vui chơi 1,868 ha; Khu công trình du lịch (bungalow và biệt thự nghỉ dưỡng) 6,123 ha; cây xanh cách ly, cảnh quan, mặt nước và thể dục thể thao 9,2 ha; khu hạ tầng kỹ thuật 0,288 ha; giao thông, bến bãi 1,956 ha.