EVNFinance (EVF) tiếp tục chào bán hơn 226,68 triệu cổ phiếu 'ế' với giá 11.000 đồng/cổ phiếu
EVNFinance chào bán 351 triệu cổ phiếu nhưng cổ đông hiện hữu chỉ mua 124,4 triệu đơn vị. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục phân phối lượng cổ phiếu dư còn lại cho đến 29/11.
Tiếp tục chào bán hơn 226,68 triệu cổ phiếu "ế"
HĐQT Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance, HoSE: EVF) vừa có thông báo kết quả thực hiện quyền của đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Theo công bố, EVF chào bán 315 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, mệnh giá cổ phiếu là 10.000 đồng.Với giá chào bán 11.000 đồng/cp, EVN Finance kỳ vọng thu về 3.861 tỷ đồng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng qua cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoặc mua cổ phần.
Tuy nhiên, từ ngày 28/9 đến 31/10, cổ đông thực hiện 124,38 triệu quyền mua. Còn 226,7 triệu cổ phiếu còn dư do cổ đông hiện hữu không thực hiện quyền mua hoặc thực hiện quyền mua không hết.HĐQT cho biết sẽ tiếp tục thực hiện phân phối lượng cổ phiếu “ế” cho cổ đông khác hoặc nhà đầu tư mới cho đến 29/11 (thời gian được phép phân phối theo quy định).
Theo kế hoạch, doanh nghiệp muốn chào bán 351 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua 1 cổ phiếu mới. Với giá 11.000 đồng/cp, EVNFinance kỳ vọng thu về 3.861 tỷ đồng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số, đầu tư vào lĩnh vực năng lượng qua cấp tín dụng cho doanh nghiệp hoặc mua cổ phần.
Đối với hình thức mua lại cổ phần doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, EVNFinance cam kết tuân thủ quy định góp không vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đồng thời, công ty tài chính cũng không sử dụng vốn thu được để mua cổ phần dẫn đến mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, quản lý nợ và khai thác tài sản theo quy định.
EVNFinance đang làm ăn ra sao?
EVN Finance được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 2.500 tỷ đồng, hoạt động chính là quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính cho các đơn vị.
Trong năm 2023, công ty đặt ra kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, tổng tài sản đạt 49.790 tỷ đồng, tăng 17%. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, EVN Finance đã hoàn thành được 61% kế hoạch lợi nhuận năm.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023, EVN Finance đạt lợi nhuận trước thuế tăng 46,4% so với cùng kỳ, đạt 143,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty thu về 275,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 3,1%. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của công ty tăng 42,5% so với cùng kỳ, đạt 264,5 tỷ đồng trong quý III. Ngoài ra, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần cũng tăng từ 600 triệu đồng trong quý III năm ngoái lên 2,9 tỷ đồng vào năm nay.
Đi ngược lại với xu hướng của ngành tài chính - ngân hàng, nợ xấu của EVN Finance đều có xu hướng giảm trong những quý gần đây. Số dư nợ xấu tính đến cuối tháng 9 là 409 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,4% trong khi đầu năm con số này là 2,23%.