Eximbank được nâng vốn điều lệ trong lúc chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp 3 lần

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chấp thuận đề xuất tăng vốn điều lệ của Eximbank thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.

 Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ Eximbank ước đạt 18.688 tỷ đồng

Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, vốn điều lệ Eximbank ước đạt 18.688 tỷ đồng

Theo Công văn số 5402/NHNN-TTGSNH ngày 01/07/2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) được chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.218.606.300.000 đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu mới dự kiến trong năm 2024.

Cụ thể, Ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Phương án này đã được Đại hội đồng cổ đông Eximbank thông qua tại tại Nghị quyết ngày 26/4/2024 và Hội đồng quản trị Eximbank triển khai, tại Nghị quyết số 156/2024/EIB/NQ-HĐQT ngày 30/5/2024.

Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Eximbank dự kiến tăng lên 18.688 tỷ đồng.

Trước đó, Eximbank đã thông qua quyết định chia cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 10%, bao gồm 3% bằng tiền mặt và 7% bằng cổ phiếu.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2014, Eximbank thực hiện chia cổ tức tiền mặt. Mỗi cổ phiếu sẽ nhận 300 đồng tiền mặt, tương đương tổng số tiền chi trả cho cổ đông lên đến 552 tỷ đồng.

Năm 2023, cổ đông Eximbank đã hai lần nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và 18%. Lần đầu tiên vào tháng 2/2023, với tổng số tiền thực hiện là 2.459 tỷ đồng; lần thứ hai là vào tháng 10/2023, Eximbank phát hành thêm 265 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức.

Về kết quả kinh doanh Q1/2024, lãi thuần từ dịch vụ giảm 24,4%, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối lao dốc 58,2% và lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 45,7%.

Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank cũng tăng gấp 3 lần lên 282 tỷ đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận.

Mặc dù chi phí hoạt động giảm 9,9% và tiền gửi khách hàng tăng 2,8%, Eximbank vẫn không thể bù đắp được khoản sụt giảm mạnh từ các nguồn thu khác. Nợ xấu của ngân hàng cũng tăng 12,8% so với đầu năm, lên 4.204 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,65% vào cuối năm 2023 lên 2,86% vào cuối quý I/2024, trong khi tỷ lệ bao phủ tụt xuống 37,3%

Eximbank gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho năm 2024 của Eximbank được đặt ra ở mức 5.180 tỷ đồng, đi kèm với việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.

Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2024, ngân hàng mới chỉ đạt được 12,8% mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đang cao hơn dự kiến.

Thảo Nhi

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/tai-chinh-ngan-hang/eximbank-duoc-nang-von-dieu-le-trong-luc-chi-phi-du-phong-rui-ro-tang-gap-3-lan-215532.html