Eximbank dưới thời Chủ tịch Lương Thị Cẩm Tú: Vốn hóa mất 10.903 tỷ, lương nhân viên giảm hơn 12%
Dưới thời Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú, Eximbank đã cải thiện nhiều chỉ số kinh doanh. Tuy nhiên, ngân hàng lại đối diện với nợ xấu tăng vọt và thù lao người lao động giảm 12,4% và đáng chú ý hơn cả là vốn hóa thị trường mất 10.903 tỷ đồng.
"Lận đận" với chiếc ghế Chủ tịch
Giữa tháng 02/2022, Eximbank đã ra Nghị quyết về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú - Thành viên HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) thay cho ông Yasuhiro Saitoh.
Đây không phải lần đầu tiên bà Cẩm Tú ngồi lên “chiếc ghế” cao nhất tại Eximbank. Trưóc đó, ngày 22/3/2019, tại Nghị quyết HĐQT số 112, bà Tú từng được bầu làm Chủ tịch Eximbank, thay ông Lê Minh Quốc.
Tuy vậy, chỉ 4 ngày sau đó (ngày 27/3/2019), Eximbank nhận được quyết định Tòa án nhân dân Tp.HCM về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại điều 127 của Bộ luật Tố tụng Dân Sự. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú chưa thể trở thành Chủ tịch HĐQT Eximbank.
Đến tháng 5/2019, Eximbank mới thay được chức danh Chủ tịch HĐQT. Thế nhưng, người thay ông Lê Minh Quốc là ông Cao Xuân Ninh chứ không phải bà Lương Thị Cẩm Tú.
Trước khi “lận đận” với chiếc ghế Chủ tịch Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng như: Trợ lý giám đốc, Phó giám đốc rồi Giám đốc Sacombank chi nhánh Khánh Hòa; Giám đốc khu vực kiêm Trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung của Ngân hàng MHB (nay đã sáp nhập vào BIDV), Tổng giám đốc NamA Bank.
Ngoài ra, bà Tú còn là Thành viên HĐQT Công ty Đường Ninh Hòa; Thành viên HĐQT Công ty Du lịch Thắng Lợi; Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa.
Nhiệm kỳ của bà Lương Thị Cẩm Tú tại Eximbank đã đi qua được 1 năm, 1 quý với một số cải thiện về lợi nhuận, tổng tài sản cũng như huy động vốn và tín dụng. Tuy nhiên, Eximbank ghi nhận thù lao cho người lao động giảm mạnh còn nợ xấu tăng cao.
Thù lao nhân viên giảm mạnh
Trong năm 2021, thời điểm trước khi bà Lương Thị Cẩm Tú “chèo lái” Eximbank, ngân hàng này cho biết tiền lương bình quân hàng tháng của nhân viên là 21 triệu đồng/người/tháng, tăng mạnh so với con số 18 triệu đồng/người/tháng của năm 2020; thu nhập bình quân hàng tháng là 22 triệu đồng, tăng so với 19 triệu đồng.
Còn theo các số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021 của Eximbank, thu nhập người lao động Eximbank có chênh lệch một chút. Theo đó, trong năm 2021, ngân hàng này có 5.141 người lao động. Chi phí lương và phụ cấp trong kỳ đạt 1.313 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi người lao động được trả 255 triệu đồng/người/năm, tương đương 21,3 triệu đồng/người/tháng.
Bước sang năm 2022, sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank, chế độ đãi ngộ mà ngân hàng dành cho nhân viên có nhiều thay đổi lớn lao. Theo đó, tiền lương bình quân tháng tăng mạnh từ 21 triệu đồng lên 30 triệu đồng; thu nhập bình quân tháng tăng từ 22 triệu đồng lên 31 triệu đồng.
Còn theo các số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của Eximbank, thu nhập người lao động Eximbank năm 2022 thấp hơn khá nhiều. Với quỹ lương 1.883 tỷ đồng dành cho 5.628 người, trung bình mỗi người lao động được trả 335 triệu đồng/người/năm, tương đương 27,9 triệu đồng/người/tháng.
Tới quý 1/2023, Eximbank không công bố quỹ lương. Thế nhưng, dựa vào các số liệu tài chính, có thể thấy, lợi nhuận tại Eximbank giảm rất sâu và lương cũng không giữ được mốc 20 triệu đồng/người/tháng.
Cụ thể, tại ngày 31/3/2023, quy mô nhân sự của cả hệ thống Eximbank là 5.826 người. Eximbank dành 326 tỷ đồng cho Chi phí lương và phụ cấp, giảm mạnh so với con số 408 tỷ đồng của quý 1/2022. Trung bình mỗi người lao động được trả 55,96 triệu đồng/người/quý, tương đương 18,65 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, thu nhập của nhân sự tại Eximbank giảm 9,25 triệu đồng/người/tháng, tương đương 33,2% so với năm 2022 và giảm 2,65 triệu đồng/người/tháng, tương đương 12,4% so với năm 2021.
Nợ xấu tăng cao, vốn hóa mất 10.903 tỷ đồng
Sau 1 năm, 1 quý bà Lương Thị Cẩm Tú đóng vai trò Chủ tịch HĐQT Eximbank, ngân hàng này có được sự tăng trưởng dương về Huy động vốn và Tín dụng. Tuy nhiên, nợ xấu lại có tốc độ tăng mạnh hơn khá nhiều.
Cụ thể, hồi cuối quý 1/2023, nợ xấu tại Eximbank đạt 3.048 tỷ đồng, chiếm 2,34% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu tăng 800 tỷ đồng, tương đương 35,6% so với con số 2.248 tỷ đồng hồi cuối năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,96% lên 2,34%, tương ứng đà tăng 19,4%.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng từ 1.357 tỷ đồng lên gần 1.900 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ diễn ra hồi tháng 4/2023, cổ đông Eximbank đã thông qua kế hoạch tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2023 dưới 1,6%, thấp hơn con số 2,34% rất nhiều.
Dưới thời bà Lương Thị Cẩm Tú, cổ phiếu EIB giảm rất mạnh khiến vốn hóa thị trường ngân hàng hao hụt đáng kể.
Tại ngày 8/6/2023, giá EIB đóng cửa ở mức 20.850 đồng/CP, giảm 7.360 đồng/CP, tương đương 26,1% so với phiên cuối cùng của tháng 2/2022. Như vậy, vốn hóa thị trường Eximbank mất 10.903 tỷ đồng.
Mặc dù có nhiều chỉ số không vui, song nhiệm kỳ của bà Cẩm Tú chỉ mới bắt đầu được hơn 1 năm vì vậy còn rất nhiều thời gian để nữ tướng này "chèo lái" con thuyền Eximbank hướng tới kết quả tốt hơn. Ít nhất trong hơn 1 năm nắm quyền một Eximbank với quá nhiều vấn đề cần xử lý, bà Cẩm Tú đã cho thấy những tín hiệu đáng mừng về tăng trưởng tín dụng và huy động vốn.
Cùng chờ xem nữ doanh nhân sinh năm 1980 sẽ dẫn dắt Eximbank ra sao trong phần còn lại của nhiệm kỳ Chủ tịch.