Eximbank tham vọng gì sau cuộc chiến quyền lực kéo dài cả thập kỷ?
Ngân hàng Eximbank có những kế hoạch giàu tham vọng trong năm 2023, sau một thập kỷ trải qua cuộc chiến quyền lực và bị rớt khỏi top đầu những ngân hàng có tài sản lớn nhất hệ thống.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 với nhiều điểm đáng chú ý, trong đó có các kế hoạch kinh doanh khởi sắc.
Dự kiến cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 diễn ra vào ngày 14/4.
Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank có thể chấm dứt sau khi một số nhóm cổ đông lớn rút lui, trong đó có nhóm Thành Công và SMBC của Nhật, thay vào đó là sự xuất hiện của nhóm Bamboo Capital.
Theo kế hoạch mới công bố trong tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 35% so với năm 2022 lên 5.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng 13,5% lên 185.056 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 11% lên 148.615 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 12,3% lên 130.581 tỷ đồng nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,8%.
Bên cạnh đó, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỷ lệ 18%), qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng.
Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp Eximbank có thể ghi nhận kết quả khởi sắc nhờ việc tái cơ cấu thành công cổ đông trong doanh nghiệp.
Trước đó, Eximbank chứng kiến một cuộc chiến quyền lực xảy ra giữa các nhóm cổ đông kéo dài cả thập kỷ.
Một số nhóm cổ đông lớn đã rút đi.
Hồi giữa tháng 1/2023, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản thông báo quyết định chấm dứt liên kết vốn với Ngân hàng Eximbank và giảm tỷ lệ sở hữu vốn tại EIB xuống dưới 5% sau 15 năm hợp tác. SMBC đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB cho nhà đầu tư trong nước vào ngày 13/1.
Nhóm Thành Công cũng thoái toàn bộ vốn khỏi Eximbank, với tổng giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Eximbank ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục cho tới cả trăm triệu cổ phần, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn chưa từng có.
Vòng xoáy khủng hoảng trong ban lãnh đạo do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tạm dừng sau khi bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên là thành viên HĐQT, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) trong đại hội cổ đông hồi tháng 2/2022 với số phiếu biểu quyết 7/7, thay ông Yasuhiro Saitoh.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được cho là người đại diện hài hòa quyền lợi của các bên.
Trước đó, từ cuối năm 2015 đến tháng 10/2022, Eximbank ghi nhận 8 lần đổi chủ tịch, từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú rồi ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, trở lại với ông Yasuhiro Saitoh và hiện là bà Lương Thị Cẩm Tú.
Tuy nhiên, tình hình tại Eximbank chỉ thực sự ổn định sau khi ĐHCĐ bất thường lần hai vào ngày 14/2.
Tại cuộc họp này, Eximbank đã thông qua sự thay đổi lớn ở “thượng tầng” ngân hàng này với nhiều thành viên HĐQT là người mới. Trong số này đáng chú ý có một số người đến từ Bamboo Capital, gồm cả ông Nguyễn Thanh Hùng, hiện là thành viên HĐQT Bamboo Capital (nhiệm kỳ 2020-2025).
Cũng tại ĐHCĐ ngày 14/2 của Eximbank, bà Lê Thị Mai Loan (1982) được bầu bổ sung vào HĐQT. Bà Loan từng là nhân sự chủ chốt của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG).
Ngoài ra, ông Ngo Tony, thành viên mới trong Ban kiểm soát của nhà băng cũng là người do nhóm cổ đông Bamboo Capital đề cử.
Trong năm 2022, Eximbank ghi nhận tài sản tăng 11,4% so với năm 2021 lên hơn 185 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn tăng 8,2% lên hơn 148,6 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng hơn 13% lên 129,2 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.709 tỷ đồng, vượt 45% so với kế hoạch năm đặt ra là 2.500 tỷ đồng.