F-15E thử nghiệm thành công khả năng mang bom hạt nhân B61-12
Tiêm kích F-15E Strike Eagle đã hoàn thành thử nghiệm khả năng mang bom B61-12 và đáp ứng cả các tiêu chuẩn về an toàn cũng như hiệu suất.
Tiêm kích F-15E Strike Eagle đã trở thành chiếc máy bay đầu tiên có khả năng tương thích với bom trọng lực hạt nhân B-61-12, sau một loạt các chuyến bay thử nghiệm được cho là đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn và hiệu quả hoạt động của Mỹ.
Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia ngày 8/6 cho biết F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ đã hoàn tất thành công thử nghiệm trang bị vũ khí từ hồi tháng 3/2020, trong đó cho thấy khả năng tương thích của tiêm kích này với bom trọng lực hạt nhân B61-12.
Một phiên bản không mang đầu đạn của loại bom trọng lực hạt nhân này đã được thả từ F-15E ở độ cao hơn 7.600 mét tại thao trường thử nghiệm Tonopah, Nevada.
“Chúng tôi có khả năng thử nghiệm B61-12 qua tất cả các giai đoạn hoạt động và vô cùng tin tưởng loại bom này phù hợp để trang bị cho F-15E Strike Eagle”, Steven Samuels, Giám đốc điều hành nhóm thử nghiệm B61-12 của Sandia khẳng định trong một thông cáo của phòng thí nghiệm
Theo ông Samuels, cuộc thử nghiệm này được tiến hành sau nhiều năm lên kế hoạch, thiết kế, phân tích, thử nghiệm và thẩm định để tích hợp B61-12 với F-15E Strike Eagle. Các cuộc thử nghiệm đáp ứng mọi tiêu chí, cả về hiệu suất và an toàn.
Sandia là một trong 3 phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển thuộc Cục an ninh hạt nhân quốc gia (NNSA) của Mỹ. Phòng thí nghiệm này đảm nhiệm việc thiết kế và vận hành các thành phần phi hạt nhân trong kho hạt nhân của Mỹ.
Cuộc thử nghiệm F-15E - B61-12 là một phần trong chương trình kéo dài thời gian hoạt động của B61-12 thêm ít nhất 20 năm nữa.
Được giới thiệu lần đầu tiên vào giữa những năm 1960, bom B61 nặng hơn 300kg và có sức công phá trong khoảng từ 0,3 đến 50 kiloton, tùy thuộc vào chế độ làm việc. B61-12 là phiên bản nâng cấp của bom hạt nhân B61. Các nhà phát triển đã hiện đại hóa B61-12 trở thành vũ khí đa nhiệm Đặc điểm của phiên bản sửa đổi là phần đuôi thuôn dài, cho phép bom có thể lượn trên khoảng cách 10 km từ điểm thả, thay đổi quỹ đạo đường bay theo tín hiệu định vị vệ tình GPS.
B61-12 ước tính dài 3,6 mét và có trọng lượng khoảng 370 kg, dự kiến được cấp phép sử dụng trên máy bay ném bom hiến lược B-2, tiêm kích F-16 C/D và F-35 Lightning II của Không quân Mỹ.
Nga từng tỏ ra lo ngại việc Mỹ triển khai bom hạt nhân B61-12 trên diện rộng, nhất là khi tích hợp chúng với tiêm kích tàng hình F-35./.