F-16 - Máy bay chiến đấu được sử dụng rộng rãi nhất
Mặc dù quân đội Mỹ không còn mua loại máy bay chiến đấu F-16 nữa nhưng nó vẫn rất được ưa chuộng ở nước ngoài, đến nỗi nhà sản xuất Lockheed Martin đã đầu tư vào một xưởng sản xuất F-16 để xuất khẩu ở Greenville thuộc bang South Carolina, Mỹ. Hàng trăm việc làm đã được tạo ra tại bang này. Tờ Washington Post của Mỹ thông tin, cơ sở sản xuất máy bay F-16 ở Greenville đóng góp 1,3 tỷ USD vào nền kinh tế địa phương mỗi năm.
Theo tờ Le Point của Pháp, F-16 là máy bay chiến đấu bán chạy nhất và được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Hơn 4.000 chiếc F-16 đã được sản xuất, trong đó hơn 1.500 chiếc đang được sử dụng. Ra đời vào cuối thập niên 1970, F-16 là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng thế hệ thứ tư do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất. Máy bay được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, từ trinh sát đến săn lùng máy bay khác, các nhiệm vụ ném bom mục tiêu mặt đất lẫn đánh chặn trên không. F-16 có tốc độ tối đa Mach 2 (tương đương 2.400 km/giờ), tầm bay khoảng 4.200km. Máy bay chiến đấu này được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa không đối không, không đối đất, cùng nhiều loại bom dẫn đường thông minh.

Chiếc F-16 đầu tiên của Bulgaria trên đường tới Căn cứ không quân Graf Ignatievo, ở miền Trung Bulgaria, ngày 2-4 vừa qua. Ảnh: Reuters
Với nhiều ưu điểm vượt trội, F-16 là loại máy bay được nhiều nước châu Âu yêu thích. Mới đây nhất, ngày 3-4, Bulgaria đã tiếp nhận chiếc F-16 Block 70/72 đầu tiên trong số 16 máy bay chiến đấu F-16 đặt mua từ Mỹ, nhằm nâng cấp năng lực phòng thủ và xây dựng không quân nước này theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Reuters, đây là phiên bản mới nhất và mạnh nhất trong dòng máy bay chiến đấu F-16. Cốt lõi của phiên bản này là radar quét mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến Northrop Grumman AN/APG-80, vốn dựa trên công nghệ lấy từ F-22 và F-35. Dự kiến lô thứ hai gồm 8 chiếc F-16 sẽ được giao hàng vào cuối năm 2027.
Trước đó, Hà Lan đã mua tổng cộng 213 máy bay F-16, trong đó có 108 máy bay được nâng cấp giữa vòng đời. Tuy nhiên, Hà Lan bắt đầu chuyển sang sử dụng máy bay F-35 của Mỹ từ năm 2019. Một phần trong số những chiếc F-16 từng được biên chế trong không quân Hà Lan gần 50 năm qua đã được chuyển giao cho nước khác như Jordan, Chile...
Đan Mạch đã mua tổng cộng 62 chiếc F-16 và ban đầu dự kiến cho chúng "nghỉ hưu" vào năm 2024. Tuy nhiên, do sự chậm trễ trong việc giao máy bay kế nhiệm (cũng là máy bay F-35) nên F-16 sẽ vẫn được sử dụng tại nước này cho đến năm 2027.
Na Uy vận hành 72 máy bay F-16, tất cả đều đã được tân trang và dần được thay thế bằng F-35. Cho đến nay, 32 chiếc máy bay chiến đấu F-16 của Na Uy đã được chuyển giao cho Romania vào năm 2021 và 12 chiếc khác được chuyển giao cho công ty Draken.
Bỉ đã đặt hàng 160 chiếc F-16 và nhiều chiếc vẫn đang được sử dụng trong lực lượng không quân của nước này. Bên cạnh đó, Brussels cũng đặt hàng thêm F-35. Tính đến nay, Bỉ đã nhận 8 máy bay F-35 đầu tiên, đang được sử dụng để đào tạo phi công và đội bảo dưỡng tại Mỹ. Dự kiến, những chiếc F-35 đầu tiên sẽ được chuyển đến Bỉ vào mùa thu năm nay.
Bên kia Đại Tây Dương, Washington đã tiếp nhận hơn một nửa số máy bay F-16 được sản xuất. Không quân Mỹ đang thay thế F-16 bằng F-35, nhưng vẫn muốn duy trì khả năng hoạt động của F-16.
Trong khi các nước giàu đổ xô mua mẫu máy bay mới nhất của Lockheed Martin, F-35 nổi tiếng, lớn hơn và tàng hình hơn, F-16 vẫn là máy bay chiến đấu được mua nhiều nhất trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc dây chuyền lắp ráp F-16 ở Greenville vẫn hoạt động hết công suất. Vì lẽ đó, F-16 được ví như “trái tim và linh hồn” của vùng đất Greenville.
Nhưng trước mức thuế hải quan “có đi có lại” từ 10% đến 50% tùy theo quốc gia do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt, mối lo ngại đang gia tăng ở Greenville. “Nếu dây chuyền sản xuất F-16 dừng lại, nhiều người ở Greenville sẽ mất việc làm”, Đại tá Thủy quân Lục chiến về hưu Mark Cancian nói với tờ Washington Post.
Trong khi đó, Đại sứ Slovakia tại Mỹ Radovan Javorcik cho biết, máy bay F-16 “giống như vật gia truyền của gia đình”. Slovakia đã mua 14 chiếc F-16 vào năm 2018 và dự kiến những chiếc máy bay cuối cùng sẽ được giao trong năm nay. “Với cỗ máy này, bạn không chỉ mua những mảnh kim loại biết bay. Với việc đạt được thỏa thuận mua F-16, chúng tôi đã có mối quan hệ đối tác với Mỹ trong 25, 30 hoặc 40 năm”, ông Javorcik nói với tờ Washington Post.