F-16 phương Tây viện trợ cho Ukraine không thể mang theo tên lửa hành trình
Chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất không thể gắn thêm tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất - vũ khí tấn công tầm xa duy nhất của không quân Ukraine.
Theo Sputnik, việc F-16 của Mỹ không thể tương thích với các hệ thống vũ khí do châu Âu chế tạo không phải là điều mới, nhưng nó khiến vai trò của chiến đấu cơ này trong không quân Ukraine trở nên mờ nhạt. Điều này cũng khiến Washington đặt ra câu hỏi có nên viện trợ tên lửa hành trình tương thích với F-16 cho Kiev, chẳng hạn như tên lửa AGM-158 (JASSM).
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia quân sự Alexander Mikhailov, người đứng đầu Cục Phân tích chính trị - quân sự nhận định, tình huống trên cho thấy phương Tây không có kế hoạch cụ thể khi viện trợ F-16 cho Ukraine và họ chỉ đơn giản là gửi mọi thứ có sẵn trong khi đến Kiev.
Ông Mikhailov cho rằng, các nhà thầu quốc phòng của Anh sẽ sớm tìm ra cách trang bị tên lửa hành trình Storm Shadow cho F-16, nhưng sẽ mất nhiều thời gian.
Ông Mikhailov chỉ ra một vấn đề khác khiến không quân Ukraine phải đối mặt là đào tạo phi công, cũng như đảm bảo hậu cần kỹ thuật cho F-16.
“Vấn đề của F-16 rất giống với câu chuyện về việc Mỹ cam kết viện trợ xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine năm ngoái. Các khó khăn về mặt kỹ thuật khiến việc chuyển giao cho đến nay vẫn chưa diễn ra”, ông Mikhailov cho biết.
Trong khi đó, các nước châu Âu từ lâu đã chuyển giao cho Ukraine hàng chục xe tăng Leopard và chúng đang tham gia chiến dịch phản công theo đề nghị của Mỹ.
Trong trường hợp F-16, Washington rõ ràng muốn châu Âu viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine với các dòng tiêm kích mạnh nhất như: Tornado, Typhoon, Mirage, Rafale và Gripen. Mỹ thể hiện bản thân đã đi đầu trong việc cung cấp máy bay cho Kiev nhưng số máy bay này đều thuộc về Hà Lan và Đan Mạch.
Còn theo chuyên gia quân sự Dmitry Kornev, không quân Ukraine có thể sẽ tự giải quyết các vấn đề kỹ thuật của F-16 nếu có đủ thời gian, nhưng ông cho rằng F-16 “không phải là vũ khí thần kỳ” bất kể nó mang theo loại vũ khí nào.
“Các loại bom và tên lửa mà F-16 có thể mang theo sẽ sớm được viện trợ cho Ukraine. Ở đây chúng ta cần hiểu rằng vấn đề lớn nhất là quyết định viện trợ F-16 và mất rất nhiều thời gian Mỹ cũng như châu Âu mới đưa ra được câu trả lời, sau cùng việc chuyển giao vũ khí chỉ là chuyện nhỏ”, ông Kornev nói.
Ông Kornev nhấn mạnh sự khác biệt rõ ràng giữa cam kết viện trợ quân sự Ukraine được hứa và những gì họ nhận được trong hơn 1 năm qua.
Ví dụ, trong khi Hà Lan tuyên bố họ sẽ gửi cho Kiev tất cả 42 chiếc F-16 trong kho vũ khí của mình thế nhưng con số này không quá 12 chiếc - một phi đội. Về phần không quân Ukraine họ cần ít nhất 128 máy bay mới.
“Cần hiểu rằng nếu Ukraine nhận đủ 128 chiếc F-16 thì điều này sẽ không xảy ra vào năm 2024 mà là vào năm 2025 hoặc 2026. Nếu việc chuyển giao F-16 bắt đầu thì sẽ không có ai gây khó dễ cho Ukraine khi nước này mua chiến đấu cơ đã qua sử dụng từ các nước châu Âu khác. Ví dụ máy bay Tornado của Đức, Italia và Anh. Những chiếc máy bay này chắc chắn có thể mang theo bất kỳ tên lửa nào do châu Âu chế tạo”, ông Kornev nhấn mạnh.
Theo Kornev, nếu tên lửa châu Âu có thể được gắn lên tiêm kích bom Su-24 do Liên Xô chế tạo thì việc tích hợp chúng với F-16 không phải là điều gì đó khó khăn. F-16 là mẫu tiêm kích hiện đại, do đó quá trình này sẽ mất từ ba đến bốn tháng.
Sau khi Mỹ “bật đèn xanh” cho việc chuyển giao F-16, các quan chức quốc phòng Ukraine tuyên bố quá trình này sẽ mất ít nhất 6 tháng. Trong khoảng thời gian này các đồng minh của Kiev chắc chắn sẽ tìm ra cách tích hợp tên lửa Storm Shadow lên F-16, nếu họ không làm được vì một lý do nào đó thì Kiev sẽ làm được, ông Kornev phân tích.
Tuy nhiên, quá trình chuyển giao F-16 cho Ukraine tùy thuộc vào chương trình đào tạo phi công vốn phức tạp hơn nhiều việc lái xe tăng. Do đó phương án sử dụng lính đánh thuê có thể được Ukraine và đồng minh tính tới.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là sự xuất hiện của một số lượng F-16 nhất định khó có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường. Ông Kornev cho rằng không có thứ gọi là vũ khí thần kỳ, đồng thời lưu ý rằng nếu chỉ số lượng nhỏ F-16 tham chiến chúng không thể tạo ra được bất kỳ khác biệt nào.
“Sự xuất hiện của F-16 chắc chắn sẽ làm tăng gánh nặng cho lực lượng phòng không và không quân Nga, nhưng Moskva có đủ nguồn lực để ngăn chặn mối đe dọa này. Để gây được sức ép lên không quân Nga, Ukraine cần đến hàng chục thậm chí hàng trăm máy bay và điều này không thể xảy ra trong tương lai gần”, chuyên gia Kornev phân tích.