F-16 trốn ở nước ngoài vẫn khó tránh đòn hiểm
Tướng Serhii Holubtsov, tham mưu trưởng Bộ tư lệnh không quân Ukraine, vừa tiết lộ cách lực lượng này bảo vệ phi đội F-16 trước nguy cơ bị Nga tấn công.
Mục tiêu hợp pháp
Tờ RBC Ukraine dẫn tuyên bố của tướng Serhii Holubtsov hôm 10 tháng 6 cho biết, Không quân Ukraine đã lên phương án triển khai một số chiếc F-16 tại nước ngoài.
"Cần hiểu rằng không phải toàn bộ 40 tiêm kích F-16 do phương Tây viện trợ sẽ hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Một số sẽ nằm tại các trung tâm ở nước ngoài để huấn luyện phi công và kỹ thuật viên", tướng Serhii Holubtsov nói.
Ông Holubtsov cho rằng đây không phải điều bất ngờ, do số tiêm kích F-16 triển khai ở nước ngoài sẽ "an toàn và sẽ không bị đối phương nhắm mục tiêu".
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, chúng cũng sẽ trở thành lực lượng dự bị, sẵn sàng thay thế những chiếc F-16 bị hư hỏng trong chiến đấu hoặc cần bảo dưỡng.
Tướng Ukraine nói: "Điều này giúp duy trì ổn định số máy bay sẵn sàng chiến đấu, phù hợp với lượng phi công trong biên chế".
Ngay sau tuyên bố của tham mưu trưởng không quân Ukraine, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrey Kartapolov khẳng định những chiếc F-16 Ukraine ở nước ngoài vẫn là mục tiêu hợp pháp của Moskva nếu chúng "tham gia nhiệm vụ chiến đấu".
Một số nước phương Tây cam kết cung cấp hơn 40 tiêm kích F-16 cho Ukraine, trong đó 19 chiếc của Đan Mạch và 24 chiếc từ Hà Lan, sau khi Washington bật đèn xanh cho đồng minh và đối tác chuyển giao mẫu tiêm kích thế hệ thứ 4 này.
Chiến đấu cơ F-16 được kỳ vọng sẽ là sự nâng cấp cần thiết cho lực lượng không quân già cỗi và thiếu thốn của Ukraine, vốn chủ yếu gồm các phi cơ sản xuất từ thời Liên Xô và đã hứng tổn thất nặng nề sau hơn hai năm xung đột với Nga.
Mặc dù vậy, nhiều quan chức Mỹ cảnh báo dòng chiến đấu cơ này sẽ không tạo ra đột biến trên chiến trường và khó sống sót trước lực lượng phòng không Nga nếu tới gần tiền tuyến.
Nhiệm vụ khó
Triển khai F-16 ở Ukraine trong một cuộc chiến có tính rủi ro cao, nhưng nếu máy bay chiến đấu và phi công Ukraine hoạt động tốt, Kiev sẽ tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ phương Tây.
Nhưng nếu tên lửa Nga bắt đầu bắn hạ máy bay do Mỹ sản xuất, đó có thể là giọt nước tràn ly cuối cùng đối với Washington và tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này.
F-16 là một mặt hàng thành công về mặt thương mại và Lầu Năm Góc đánh giá cao danh tiếng của nó. Chuyên gia quân sự Nga Ivan Konovalov đã nói về tiêm kích F-16 rằng đó là "một cỗ máy rất đắt tiền".
"Bảo dưỡng phi đội 5 chiếc F-16 tiêu tốn khoảng 20 triệu USD mỗi năm. Phương Tây có thể cung cấp bao nhiêu chiếc máy bay này? Liệu họ có cung cấp tiền để duy trì khả năng hoạt động của toàn bộ phi đội F-16 hay đây là gánh nặng mới đối với Kiev?", Konovalov nói.
Một vấn đề là máy bay Ukraine đang nhận là dòng F-16A/B nguyên bản, được chế tạo từ cuối những năm 1970 cho đến giữa những năm 80.
Trong khi những chiếc F-16A/B sau này đã được nâng cấp hệ thống điện tử hàng không, so với mẫu E/F mới nhất - và các máy bay chiến đấu phản lực của Nga - các radar tìm kiếm và theo dõi của F-16A/B đã lỗi thời.
Ví dụ, những chiếc F-16 của Không quân Hà Lan được trang bị radar APG-66V2 đã lỗi thời, chỉ có khả năng theo dõi một vài mục tiêu cùng một lúc, trong khi radar APG-83 mới hơn có thể xử lý hàng chục mục tiêu.
Nhưng kết quả của cuộc không chiến không hoàn toàn dựa vào máy bay và vũ khí mang theo. Các phi công Ukraine sẽ phải chứng minh rằng một phi công chiến đấu kiểu phương Tây đủ khả năng giành chiến thắng.
Và đối thủ của họ sẽ là phi công trên các máy bay Su-30SM và Su-35S tiên tiến hơn của Nga, những phi đội đã ghi được nhiều chiến thắng trên không kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/f-16-tron-o-nuoc-ngoai-van-kho-tranh-don-hiem-post687093.html