F-16 Ukraine chỉ mang được 4 tên lửa?

Tháng 12/2024, trong một nhiệm vụ chiến đấu, một phi công điều khiển máy bay chiến đấu F-16 Ukraine đã thành công bắn hạ 6 tên lửa hành trình của Nga.

Điều đặc biệt là chiếc F-16 này chỉ được trang bị 4 tên lửa không đối không, khiến phi công phải sử dụng cả pháo M-61 Vulcan 20mm để tấn công 2 mục tiêu cuối cùng. Chi tiết này làm dấy lên câu hỏi về lý do tại sao Ukraine lại lựa chọn cấu hình vũ khí hạn chế như vậy trên chiếc F-16.

Tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinder trên máy bay F-16.

Tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM và AIM-9 Sidewinder trên máy bay F-16.

Máy bay chiến đấu F-16 thường có thể mang vũ khí ở 9 điểm cứng: 1 điểm dưới thân, 6 điểm dưới cánh và 2 điểm ở đầu cánh. Tuy nhiên, không phải tất cả các điểm cứng này đều được thiết kế để mang tên lửa không đối không. Thông thường, chỉ có 6 điểm có khả năng gắn loại vũ khí này, trong khi các điểm còn lại thường được sử dụng để lắp đạn dược không đối đất, thiết bị hỗ trợ hoặc thùng nhiên liệu ngoài.

Trong nhiệm vụ trên, chiếc F-16 của Ukraine được trang bị 2 tên lửa tầm trung AIM-120 AMRAAM và 2 tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder. AIM-120 là một loại tên lửa đa năng có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 160 km, trong khi AIM-9 là tên lửa tầm nhiệt, chuyên dùng để đối phó các mục tiêu ở khoảng cách gần.

Mặc dù F-16 có thể mang tới 9 loại vũ khí khác nhau nhưng phi công Ukraine chỉ mang 4 tên lửa. Điều này có thể được giải thích bằng chiến thuật tối ưu hóa phạm vi hoạt động và thời gian tuần tra của máy bay.

F-16 là máy bay chiến đấu một động cơ với bán kính hoạt động phụ thuộc lớn vào nhiên liệu. Trong các nhiệm vụ tuần tra chiến đấu, mức tiêu thụ nhiên liệu có thể lên đến 2.800-3.000 lít mỗi giờ và thậm chí tăng vọt lên 9.000 lít mỗi giờ trong các tình huống yêu cầu cơ động cường độ cao. Do đó, việc mang theo các thùng nhiên liệu ngoài là điều cần thiết để đảm bảo thời gian hoạt động dài hơn.

F-16 có sức chứa khoảng 4.000 lít nhiên liệu trong thân máy bay, nhưng để kéo dài phạm vi hoạt động, các thùng nhiên liệu ngoài thường được sử dụng. Các thùng này bao gồm loại 1.400 lít và 2.271 lít gắn dưới cánh, cùng với loại 1.135 lít gắn dưới thân máy bay. Khi mang theo các thùng nhiên liệu này, máy bay thường chỉ còn 2 điểm cứng để lắp tên lửa không đối không.

Một số máy bay F-16 của Ukraine còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử ECIPS/CJS, giúp bảo vệ máy bay trước các mối đe dọa từ tên lửa đối phương. Tuy nhiên, những hệ thống này chiếm chỗ trên các điểm cứng vốn có thể sử dụng để lắp thêm tên lửa, khiến số lượng tên lửa mang theo càng bị hạn chế.

Các bức ảnh về máy bay F-16 của Không quân Đan Mạch – có cấu hình tương tự – cũng cho thấy những điểm cứng này thường không được sử dụng để lắp tên lửa.

Lý do chính khiến Ukraine chọn mang ít tên lửa hơn nhưng nhiều nhiên liệu hơn là để tăng phạm vi tuần tra và khả năng bao phủ mặt đất. Đặc biệt, trong các nhiệm vụ đánh chặn tên lửa hành trình, máy bay thường phải bay ở độ cao thấp – nơi sức cản không khí lớn hơn và mức tiêu thụ nhiên liệu cao hơn. Việc giảm tải trọng vũ khí cũng giúp giảm áp lực lên cánh, cải thiện khả năng bay và giúp máy bay cơ động tốt hơn trong các tình huống khẩn cấp.

Ngoài ra, việc trang bị các loại tên lửa khác nhau như AIM-120 và AIM-9 giúp F-16 có thể đối phó linh hoạt với cả mục tiêu tầm xa lẫn mục tiêu tầm gần. Pháo M-61 Vulcan 20mm, dù thường được coi là vũ khí phụ, đã đóng vai trò quan trọng trong tình huống này khi phi công sử dụng nó để bắn hạ 2 tên lửa hành trình cuối cùng của Nga.

Tính đến tháng 8/2024, Ukraine đã nhận được 10 chiếc F-16 và 6 phi công đã hoàn tất khóa đào tạo điều khiển loại máy bay này. Các đợt giao máy bay tiếp theo sẽ diễn ra trong suốt năm 2025.

Xuân Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/f-16-ukraine-chi-mang-duoc-4-ten-lua-169250108094923117.htm