Theo kế hoạch của Không quân Mỹ, họ cần một loại máy bay chiến đấu đa năng mới, để thay thế số tiêm kích F-16 đã gần hết niên hạn sử dụng; đồng thời nhấn mạnh rằng, tính năng kỹ, chiến thuật của loại máy bay chiến đấu mới này, sẽ phải vượt trội F-16.
Loại chiến đấu cơ đã vượt qua được các ứng viên khác để thay thế cho F-16 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-35; tuy nhiên giá cả của F-35 quá đắt đỏ và nhiều tính năng còn kém cả F-16, nên khó có thể thay thế toàn bộ số F-16 trong thời gian ngắn.
Những nội dung trên là tuyên bố của Tướng Charles Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, đã khiến các chuyên gia quốc phòng bất ngờ; bởi F-35 đã được chọn là máy bay sẽ thay thế F-16. Thậm chí, Brown còn gợi ý rằng, Mỹ sẽ phát triển tiêm kích chiến đấu thế hệ "5-"?
Giờ đây, trang web hàng không nổi tiếng Hush Kit đã tập hợp một nhóm các chuyên gia hàng không, để thiết kế một sản phẩm thay thế tiềm năng cho chiến đấu cơ F-16. Máy bay chiến đấu mới này được gọi là F-36 King Snake.
F-36 King Snake đúng như khái niệm do Tướng Brown đề xuất, đó là trọng lượng nhẹ, giá rẻ và không nhấn mạnh vào hiệu suất tàng hình; biến nó trở thành máy bay chiến đấu thế hệ "5-".
Niên hạn sử dụng trung bình của 783 máy bay chiến đấu F-16C, đang phục vụ trong Không quân Mỹ là 28,7 năm, như vậy các F-16C đã gần hết vòng đời sử dụng; điều này khiến cho chu kỳ phát triển 20 năm của máy bay chiến đấu mới là không thể.
Thay vào đó, các chuyên gia muốn thiết kế nhanh chóng, xác định các thông số kỹ thuật của máy bay chiến đấu mới trong vòng một năm và dựa vào các kỹ thuật chế tạo đơn giản, để nhanh chóng bắt đầu sản xuất hàng loạt.
Điều này làm người ta nhớ đến giai đoạn đầu của thời đại máy bay chiến đấu phản lực và chiến tranh Lạnh, rất nhiều mẫu máy bay chiến đấu ra đời và nhanh chóng biến mất. Nhưng với công nghệ hiện nay, có thể thiết kế máy bay nhanh hơn, khi dựa vào các phần mềm chuyên dụng và công nghệ in 3D.
Tiêm kích F-36 thế hệ "5-" sẽ tái sử dụng công nghệ hiện có, để đẩy nhanh quá trình sản xuất. Ví dụ, F-36 có thể sử dụng động cơ phản lực cánh quạt F119 được trang bị trên F-22 Raptor để đạt tốc độ bay Mach 2, mà không phải thiết kế lại động cơ từ đầu.
Hoặc F-36 cũng có thể được trang bị radar mảng pha quét định tử chủ động AN/APG-83 tiên tiến, giống như phiên bản mới nhất của F-16, cũng như hệ thống cảm biến hồng ngoại và hệ thống ngắm mục tiêu quang điện mới.
Giống như F-16, F-36 sẽ là máy bay chiến đấu đa năng có thể thực hiện các nhiệm vụ đối không, đối đất và thậm chí là cả đối hải. Máy bay cũng sẽ được trang bị khoang chứa bom tích hợp, để mang tên lửa và bom dẫn đường.
Tuy nhiên là một máy bay chiến đấu không chú trọng đến tính năng tàng hình, F-36 cũng sẽ được trang bị các điểm treo vũ khí bên ngoài dưới cánh. Ngoài ra, F-36 sẽ được trang bị pháo hàng không để thực hiện các cuộc tấn công vào mục tiêu trên mặt đất của đối phương.
Triết lý phát triển F-36 là phát triển nhanh chóng, phù hợp với khả năng tài chính và khả năng sử dụng các công nghệ mới trong tương lai. Nếu F-35 được ví như siêu xe Ferrari, F-22 là Bugatti Chiron; nhưng F-36 mà Không quân Mỹ cần, chỉ là chiếc xe bình dân tốt và bền bỉ như một chiếc Toyota mà thôi.
Hiện tại, F-36 thực sự chỉ là một khái niệm mới, nó có vẻ giống như một sự lai tạo giữa F-22 và F-35. Lực đẩy của động cơ rất lớn, hiệu suất bay tốc độ cao tốt, tầm bay tốt hơn F-35 và khả năng mang vũ khí được nhiều hơn. Tuy nhiên F-36 liệu có cơ hội "sống sót", trước những hệ thông phòng không hiện đại như S-300 hay S-400 của Nga hay không, đó mới là câu hỏi cần quan tâm? Nguồn ảnh: QQ.
Mỹ thử nghiệm phóng vũ khí từ chiến đấu cơ F-35. Nguồn: The Aviation.
Tiến Minh