"Nhóm tác chiến tàu sân bay đang tham gia cuộc chiến chống lại Daesh", tướng Steve Moorhouse, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, ngày 18/6 đăng Twitter. Daesh là tên gọi theo tiếng Arab của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Theo tướng Moorhouse, các tiêm kích F-35B trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ tham gia chiến dịch tấn công IS nhằm chứng tỏ năng lực của chiến đấu cơ tàng hình này không chỉ dừng ở việc cung cấp dữ liệu chiến trường. "Đây là thay đổi quan trọng đối với nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth", tướng Moorhouse cho biết.
"Chúng tôi đưa ra lựa chọn quân sự và chính trị, đồng thời sẵn sàng cung cấp năng lực tác chiến với tiêm kích thế hệ thứ 5 cho bất kỳ nhiệm vụ và tại bất cứ chiến trường nào vào thời điểm do chúng tôi lựa chọn", ông viết thêm.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth để khởi hành đến châu Á hôm 22/5, dự kiến đi qua Địa Trung Hải, Biển Đỏ, khu vực Ấn Độ Dương, Biển Đông rồi tới Biển Philippines.
Tàu sân bay được hộ tống bởi một khu trục hạm, một hộ vệ hạm, một tàu ngầm và hai tàu hỗ trợ của Anh, cùng khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và hộ vệ hạm Hà Lan HNLMS Evertsen.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth được khởi đóng tháng 7/2009 và hạ thủy sau đó 5 năm với chi phí hơn 4,5 tỷ USD, được biên chế vào hải quân Anh tháng 12/2017.
Đây là chiến hạm đầu tiên và duy nhất trên thế giới được thiết kế chuyên cho vận hành tiêm kích tàng hình F-35B.
HMS Queen Elizabeth có lượng giãn nước đầy tải tới 72.000 tấn, nó to gấp ba lần tàu sân bay lớp Invincible, gấp hai lần tàu sân bay nguyên tử trang bị máy phóng Charles De Gaulle của Pháp và chỉ thua 2 loại tàu sân bay lớp Nimitz và Gerald Ford của Mỹ.
So về mặt kích thước, trang bị điện tử và vũ khí tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh cũng vượt trội so với các tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga và tàu Liêu Ninh của Trung Quốc.
Tàu sân bay này cũng được thiết kế tối ưu độ bộc lộ tín hiệu radar và được áp dụng những công nghệ hàng hải tối tân nhất trên thế giới do Thales và BAE Systems phát triển.
Hệ thống điện tử trên tàu được trang bị tối tân với nòng cốt là radar thám sát phòng không tầm xa S185M có khả năng theo dõi hơn 1000 mục tiêu ở khoảng cách xa lên tới 400km.
Bện cạnh đó là radar thám sát phòng không và điều khiển hỏa lực phòng không tầm trung 3D Type 997 có khả năng theo dõi hơn 900 mục tiêu ở khoảng cách 200km.
Khu vực chỉ huy và quản lý thông tin của tàu trang bị các máy tính có tốc độ xử lý cao nhằm đáp ứng mọi yêu cầu trong chỉ huy tác chiến và kiểm soát sự vận hành của tàu.
Con tàu có diện tích mặt boong 16.000 mét vuông và có khả năng chở tối đa 36 máy bay F-35B và 4 trực thăng cảnh báo sớm Crowsnest. Nó có thể được bổ sung tới 12 trực thăng Chinook hoặc Merlin và 8 trực thăng tấn công AH-64 Apache.
HMS Queen Elizabeth sở hữu 2 hệ thống nâng, mỗi hệ thống có khả năng đưa 2 chiếc F-35 từ nhà chứa lên sàn tàu trong 60 giây.
Nhà chứa của tàu còn có thể chứa đến 20 siêu trực thăng vận tải V-22 Osprey hoặc CH-47.
Để cơ động, tàu được trang bị hai động cơ turbine khí Rolls-Royce Marine Trent MT30 và 4 máy phát diesel, siêu tàu sân bay này đạt tốc độ tối đa 46km/h.
Tàu có thể hoạt động dài ngày trên biển nhờ lượng dữ trữ nhiên liệu và cũng như nhu yếu phẩm lớn.
Bên trong chiếc tàu sân bay hiện đại nhất của nước Anh có cả phòng tập gym, phục vụ các thủy thủ và phi công trong những chuyến hải hành dài ngày trên biển.
Khu vực nhà bếp với thiết kế hiện đại với nguồn thực phẩm dồi dào phong phú nhằm đảm bảo yêu cầu sức khỏe cho đội ngũ hoạt động trên tàu.
Dù có đội hộ tống hùng hậu bao gồm các tàu khu trục, tàu ngầm... nhưng HMS Queen Elizabeth vẫn trang bị hệ thống phòng không hạng nhẹ bao gồm hệ thống tên lửa phòng không RIM 116.
Cùng với đó là các hệ thống pháo phòng không Oerlikon 30mm và hệ thống hỏa thần Phalanx CIWS với khả năng bắn tới hơn 4.500 phát/phút.
Khi xét về năng lực tác chiến HMS Queen Elizabeth của Anh được đánh giá đứng thứ 2 thế giới, chỉ thua kém lớp tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.
Việt Hùng