F-35C là phiên bản tiêm kích tàng hình chuyên hoạt động trên các tàu sân bay của Mỹ. Chúng dự định sẽ thay thế hoạt động của tiêm kích hạm F/A-18C/D Hornet trên các tàu sân bay hạt nhân.
F-35C cùng với F/A-18E/F Super Hornet sẽ tạo thành cặp đôi tiêm kích hạm mạnh nhất thế giới của Hải quân Mỹ.
Trong khi F-35C sẽ nổi bật với khả năng tàng hình thì F/A-18E/F sẽ nổi bật về tải trọng vũ khí cũng như kinh nghiệm chiến đấu.
Do được thiết kế để hoạt động trên hạm nên F-35C có một vài thay đổi trong cấu trúc thiết kế. Cụ thể phần cánh của F-35C lớn hơn và những thiết bị hỗ trợ hạ cánh khiến nó cơ động và linh hoạt hơn những phiên bản khác.
Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, phiên bản F-35C sở hữu khả năng mang nhiên liệu bên trong lớn hơn so với F-35A và F-35B giúp tầm tác chiến xa hơn.
Khung thân và càng đáp được gia cố để cất hạ cánh trên tàu sân bay, ngoài phiên bản này cũng sử dụng các vật liệu chế tạo tốt hơn để tránh sự xâm hại và ăn mòn từ nước biển.
Lớp sơn tàng hình trên tiêm kích F-35C dày hơn các phiên bản khác để có thể hoạt động không tốt trong môi trường nước biển.
Cánh của tiêm kích F-35C cũng sẽ được thiết kế để có thể gấp lại, tránh chiếm dụng diện tích.
“F-35C chứng minh sự vượt trội trong lĩnh vực chiến đấu cơ tấn công hiện đại. Nó áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực hàng không chiến thuật, bao gồm tất cả từ cảm biến tối tân, vũ khí mới cải thiện tầm bắn và mức độ bền bỉ”, thông cáo của Hải quân Mỹ cho biết.
Phi công trên F-35C cũng sẽ được trang bị mũ bay đặc biệt giúp gia tăng khả năng tác chiến trong những cuộc không chiến quần vòng.
Khi ở chế độ tàng hình, F-35C chỉ có khả năng mang theo khoảng 2,8 tấn vũ khí, tất cả đều được giấu trong thân máy bay.
Tuy nhiên khi không cần tàng hình, F-35C có khả năng mang theo 10,5 tấn vũ khí, đây là một con số cực kỳ ấn tượng cho tiêm kích một động cơ.
Với sự góp mặt của F-35C, năng lực tác chiến của Hải quân Mỹ nâng lên một tầm cao mới.
F-35C sẽ giúp Hải quân Mỹ tiếp tục duy trì sức mạnh vượt trội Trung Quốc. Trong bối cảnh Nga ngày càng tụt lại phía sau, tàu sân bay duy nhất của họ đang hư hỏng nằm bờ và viễn cảnh tái triển khai vẫn còn xa vời thì Trung Quốc đang nổi lên là đối thủ lớn nhất của Mỹ, cạnh tranh sức mạnh không chiến trực tiếp trên đại dương.
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển tiêm kích hạm cũng như tăng cường đóng mới cả tàu sân bay hạt nhân để vươn ra biển lớn, tuy nhiên với việc Mỹ biên chế F-35C sẽ giúp Washington kiềm chế bớt cái đầu nóng đầy tham vọng của hải quân Trung Quốc.
F-35C là phiên bản duy nhất chưa thực chiến, trong khi F-35A và F-35B đã tham chiến tại Syria và Afghanistan, tại các chiến trường này chúng được đánh giá hiệu suất chiến đấu vượt cả sự mong đợi.
Giới quan sát nhận định với quyết định biên chế, F-35C cũng sẽ nhanh chóng được tung vào chiến trường để thử lửa.
Tuy vậy, Hải quân Mỹ cũng cảnh báo những khó khăn trong việc bảo trì F-35C, do thiếu các kỹ thuật viên trình độ cao.
Vì thế Hải quân Mỹ đã đề xuất Lầu Năm Góc cần thay đổi mô hình quản lý để thu hút nhân tài trong ngành kỹ thuật cho các tiêm kích hạm tàng hình trên tàu sân bay.
Việt Hùng