F-36 Kingsnake sẽ là máy bay chiến đấu 'độc nhất vô nhị' của Mỹ trong tương lai?
Giống như F-16, F-36 Kingsnake sẽ là một máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
Tháng 2/2021, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng C.Q. Brown đã gây bất ngờ khi thông báo rằng lực lượng này đang xem xét mua một loại máy bay chiến đấu hoàn toàn mới để thay thế tiêm kích F-16 Viper. Loại máy bay này chưa sẵn có, nhưng với những bước đột phá về công nghệ và kỹ thuật số, nó được kỳ vọng có thể đưa vào hoạt động vào năm 2030.
Dòng máy bay thay thế F-16 Viper
Tạp chí hàng không trực tuyến Hush-Kit đã tập hợp ý kiến của các chuyên gia nhằm thiết kế loại máy bay có khả năng thay thế tiêm kích F-16 Viper. Kết quả là ý tưởng sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-36 Kingsnake ra đời.
Hush-Kit đã tham khảo ý kiến của các quan chức hàng không Stephen Mcparlin và James Smith - những người từng tham gia hỗ trợ chương trình sản xuất máy bay chiến đấu F-35 và Eurofighter Typhoon, sau đó, đưa ý tưởng của họ cho người vẽ tranh minh họa Andy Godfrey của Teasel Studio để phác thảo hình dáng của máy bay này.
Hush-Kit đã sử dụng các yêu cầu về thông số kỹ thuật mà Tướng C.Q. Brown đưa ra về việc sản xuất máy bay chiến đấu hạng nhẹ, giá thành vừa phải, không chú trọng khả năng tàng hình, để tạo ra thiết kế tương lai của F-36.
Tuổi đời trung bình của các máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Mỹ là 28,7 năm. Vì thế việc phát triển máy bay chiến đấu mới không thể kéo dài quá lâu. Hiện tại, các chuyên gia muốn đẩy mạnh quá trình sản xuất, với việc hoàn tất các thông số kỹ thuật của máy bay mới trong vòng 1 năm và dựa vào các công nghệ tiên tiến như in 3D để có thể lắp ráp nhanh hơn.
Tái sử dụng những công nghệ và trang thiết bị sẵn có sẽ giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất. Chẳng hạn, F-36 có thể sử dụng động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ F119 của F-22 Raptor để đạt tốc độ tối đa Mach 2 và radar mảng pha quét điện tử chủ động tiên tiến (AESA) AN/APG-83 (hiện đang được dùng cho phiên bản mới nhất của tiêm kích F-16), cùng hệ thống cảm biến hồng ngoại hiện đại.
Giống như F-16, Kingsnake sẽ là một máy bay chiến đấu đa nhiệm có khả năng thực hiện các nhiệm vụ không đối không và không đối đất. Chiến đấu cơ này sẽ chứa tên lửa và bom dẫn đường trong các khoang bên trong. Vì là máy bay không có đặc tính tàng hình nên nó sẽ có các giá treo vũ khí bên ngoài được gắn ở phần cánh. Kingsnake sẽ được tích hợp các khẩu pháo, giúp nó có khả năng tấn công các lực lượng mặt đất của đối phương.
Tên gọi đặc biệt của F-36
Có 3 nguyên tắc chỉ đạo đối với ý tưởng sản xuất F-36 đó là tốc độ phát triển, giá cả phải chăng và khả năng tích hợp công nghệ mới trong tương lai. Chuyên gia Joe Coles của Hush-Kit cho biết: “Nếu ví F-35 là chiếc xe ô tô Ferrari, F-22 là chiếc Bugatti Chiron, thì không quân Mỹ cần thêm dòng xe Nissan 300ZX nữa”.
Liệu Không quân Mỹ có thể chế tạo thành công một loại máy bay giống như F-36 Kingsnake? Câu trả lời là: Hoàn toàn có thể.
Mặc dù các yêu cầu đối với đối với máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 chưa được đặt ra, nhưng lực lượng không quân sẽ nhanh chóng xác định các tiêu chuẩn vào năm 2023. Thời gian gần đây, không quân Mỹ cho biết họ đã âm thầm thiết kế và chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 chỉ trong vòng 1 năm. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, không quân Mỹ sẽ có thể chế tạo khá nhanh chóng một loại máy bay giống như máy bay F-36.
Tên gọi của chiếc máy bay mới này cũng vô cùng đặc biệt. Kingsnake – hay còn gọi là “Rắn vua” là loài rắn Bắc Mỹ có thể sống tới 30 năm và có thói quen ăn thịt các loài rắn khắc. Theo các chuyên gia quân sự, việc lấy tên loài rắn này để đặt cho dòng máy bay mới là rất phù hợp, vì cách gọi đó không chỉ thể hiện vòng đời của máy bay mà còn nêu bật được ưu thế của F-36 vốn được kỳ vọng sẽ thay thế cho tiêm kích F-16 Viper – máy bay có biệt danh là “rắn hổ lục”.
Theo Military Today, F-16 Viper là phiên bản nâng cấp của dòng tiêm kích hạng nhẹ F-16 ra đời từ năm 1978, được cải thiện hơn về năng lực tác chiến. Bộ phận được nâng cấp chủ yếu là radar mảng pha chủ động (AESA). Radar AESA cung cấp rất nhiều lợi thế cho tiêm kích được trang bị, hệ thống có khả năng truyền và nhận tín hiệu trên nhiều dải tần số khác nhau nên rất khó bị đối phương phát hiện.
Các chùm tia điện tử phát đi và nhận lại giúp xác định mục tiêu chính xác hơn so với radar truyền thống. Loại radar hiện đại này cũng được trang bị trên các tiêm kích thế hệ 5 của Mỹ như F-22 và F-35. Bên cạnh đó, F-16 Viper có thể sử dụng các tên lửa không đối không AIM-9X và tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM hoặc bom JDAM để tấn công các vị trí radar của đối phương. Tuy nhiên, tiêm kích F-16 Viper có năng lực khá hạn chế trong việc áp chế phòng không ./.