F0 được phát hiện trong trường học tại TP.HCM tăng

Số ca F0 tăng sau khi trường học mở cửa là tình huống đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, trường học ở TP.HCM còn lúng túng trong việc xử lý F0, F1.

Tình hình tăng số ca mắc Covid-19 phát hiện trong trường học được đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế TP.HCM thông tin tại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 17/2.

Chùm ca bệnh tại huyện Cần Giờ

Tại họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GDĐT), cho biết những ngày qua, tỷ lệ trẻ mầm non, học sinh tiểu học, lớp 6 đến trường tiếp tục tăng.

Cùng với đó, số ca F0 được ghi nhận tại trường học có dấu hiệu tăng. Dự kiến, ngày 17/2, số F0 được phát hiện tiếp tục tăng nhưng đều là ca nhiễm nhẹ.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ mới đây, ngày 14/2, huyện có báo về chùm ca bệnh xã Thạnh An. Trong ngày 15/2, Trạm Y tế xã Thạnh An tiếp tục truy vết trong trường học phát hiện thêm 28 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Trong đó, hai giáo viên tiểu học và một cấp dưỡng trong trường. 11 ca là học sinh tiểu học. Một học sinh lớp 6 và một học sinh lớp 12. 13 ca là gia đình của các học sinh, trong đó có một trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện, đơn vị này đã xử lý chùm ca bệnh theo công văn của Sở Y tế TP.HCM ban hành ngày 3/12/2021.

 Học sinh lớp 1 tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) trong hôm đầu đi học trở lại ngày 20/10/2021. Ảnh: Chí Hùng.

Học sinh lớp 1 tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) trong hôm đầu đi học trở lại ngày 20/10/2021. Ảnh: Chí Hùng.

Đối với các hộ gia đình: Xác định là ổ dịch hộ gia đình, cách ly 7 ngày đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine; 14 ngày đối với trường hợp trẻ em chưa tiêm, lấy xét nghiệm theo quy định.

Đối với các khối lớp tiểu học: Tiến hành điều tra ca tiếp xúc gần (F1) và cách ly tại nhà 14 ngày, test nhanh toàn bộ trường và vệ sinh khử khuẩn, cho các em đi học bình thường. Các em được theo dõi chặt tình hình sức khỏe, tiếp tục lấy xét nghiệm toàn bộ 2 lớp trên vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7, 14 để đánh giá lại.

Đối với 2 lớp cấp 2 và cấp 3: Tiến hành truy vết các trường hợp tiếp xúc gần; trường hợp tiêm đủ 2 mũi vaccine tiếp tục đi học; trường hợp chưa tiêm vaccine cách ly tại nhà 14 ngày; lấy xét nghiệm lại cho 2 lớp vào ngày thứ 3, 7 và ngày thứ 14 để đánh giá.

Khác biệt trong quy định xử lý F1 tại trường học

Tại họp báo định kỳ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM (Ban Chỉ đạo) ngày 17/2, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Công tác chính trị, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết một số cơ sở giáo dục đang rất lúng túng trong việc xử lý F0, F1.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo đang giám sát chặt học sinh trong các trường qua tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên; đồng thời, quan sát các trường, khu vực có ca dương tính để xử lý kịp thời.

Bà Mai lưu ý với nhóm mầm non, tiểu học cần phải đặc biệt chú ý đến cô giáo, bảo mẫu vì đây là nhóm có thể lây nhiễm cho trẻ. Trong khi đó, trẻ em không duy trì được việc đeo khẩu trang như người lớn.

Về quy định xử lý khi trường học phát hiện F0, F1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, văn bản 9038 của Sở Y tế TP.HCM chưa có sự thống nhất.

Theo hướng dẫn chung của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Y tế, học sinh F1 đều phải ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Với học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, sau đó đi học lại nếu xét nghiệm ngày 7 âm tính. Trong khi đó, TP.HCM quy định cho trường hợp này tiếp tục đến trường.

Học sinh F1 chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.

Tại phiên họp với Chính phủ ngày 17/2, sau khi nghe thông báo tình hình lúng túng của các địa phương trong xử lý F0, F1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, nêu rõ Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1.

Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp.

"Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/f0-duoc-phat-hien-trong-truong-hoc-tai-tphcm-tang-post1297020.html