F0 không nghiêm túc cách ly y tế: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Thời gian qua, tại Hà Nội phát sinh nhiều ca mắc Covid-19. Một số người dân tự xét nghiệm nhưng không khai báo, cách ly y tế. Chuyên gia luật cho rằng, hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, thời gian qua, hành vi không khai báo y tế, khai báo không trung thực dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 hoặc theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, mức hình phạt có thể đến 12 năm tù. Thực tế trong những năm qua, nhiều người đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì không khai báo y tế, khai báo gian dối dẫn đến làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP: Vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch: 1. Phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; b) Không báo cáo với UBND hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật. 2. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; b) Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch….
Tại thời điểm này, phần lớn người dân được tiêm vaccine, hậu quả của dịch bệnh bớt nghiêm trọng hơn, chủ trương về phòng, chống dịch bệnh cũng đã có những thay đổi khiến việc xử lý đối với những người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh cũng nhẹ hơn. Người dân mắc Covid-19 chủ yếu cách ly tại nhà. Tuy nhiên, với số ca mắc Covid-19 tăng cao, nhiều trường hợp nhập viện khiến lực lượng y tế ở nhiều địa phương quá tải. Số người ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng chiếm đa số nên nhiều người đã coi nhẹ sự nguy hiểm của dịch bệnh. Nhiều trường hợp có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, thậm chí có thể có trường hợp xét nghiệm biết mình dương tính nhưng vẫn không khai báo với cơ quan chức năng mà tự điều trị, cách ly, thậm chí có thể không cách ly, vẫn đi lại bình thường làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Theo quy định pháp luật, việc khai báo về tình trạng dịch bệnh với cơ sở y tế là trách nhiệm bắt buộc theo quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Hành vi không khai báo tình trạng bệnh tật với cơ sở y tế có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị xử phạt hành chính đến 20 triệu đồng theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức xử phạt hành chính nêu trên không chỉ áp dụng đối với trường hợp người mắc bệnh không khai báo, không thực hiện biện pháp cách ly y tế mà đối với trường hợp cơ sở y tế phát hiện trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid-19 nhưng không thực hiện biện pháp cách ly y tế, không tiếp nhận điều trị, hướng dẫn thì cũng sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng, theo quy định tại Điều 11 của Nghị định 117.
Khi biết mình có triệu chứng mà không xét nghiệm, không cách ly là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những người đã biết mình mắc bệnh nhưng vẫn không áp dụng các biện pháp an toàn, không khai báo y tế, không thực hiện cách ly y tế thì không những vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức xã hội.
“Ngoài ra, hành vi này có thể làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, đe dọa đến tính mạng sức khỏe của những người khác, kể cả những người thân của họ. Bởi vậy ngoài việc xem xét xử lý các trường hợp vi phạm thì cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền để người dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và có ý thức tốt hơn trong việc chấp hành các biện pháp, giải pháp phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay” - luật sư Cường nhấn mạnh.