F0 tăng nhanh, cán bộ y tế dốc sức quản lý, điều trị
Những ngày áp Tết, lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh nên cán bộ y tế ở các cơ sở điều trị, cách ly rất vất vả, áp lực.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, ngành y tế và các địa phương đã có những linh hoạt thích ứng phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tuy nhiên, lượng F0 có chiều hướng tăng nhanh, đặc biệt 1 tuần nay mỗi ngày đều có trên 300 ca mắc mới, ngày cao điểm đã lên tới hơn 400 ca. Số lượng F0 tăng cao liên tục đòi hỏi cán bộ y tế phải dốc sức trong quản lý, chăm sóc và điều trị.
Cùng với bác sĩ Đinh Văn Khiêm, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thanh Bình (TP Hải Dương), chúng tôi tới các nhà văn hóa khu dân cư và gia đình người dân không thể đi lại để thực hiện tiêm vét vaccine phòng Covid-19. Liên tiếp các cuộc điện thoại thông báo về tình hình sức khỏe của bệnh nhân F0 tại nhà, những người mới mắc ở khu dân cư cần hỗ trợ nhân viên y tế… làm cho cuộc trò chuyện giữa chúng tôi luôn ngắt quãng. Bác sĩ Khiêm chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện là quãng thời gian vất vả và áp lực nhất đối với tuyến y tế cơ sở. Đặc biệt những ngày gần đây, lượng F0 tăng nhanh nên việc quản lý, phân tuyến bệnh nhân và cách ly F0, F1 càng vất vả. Chưa nhắc đến việc phải thực hiện tiêm vét cho các đối tượng tại cộng đồng, tất cả cán bộ y tế của trạm gần như dành trọn thời gian ở đơn vị và đi cơ sở thực hiện nhiệm vụ”.
Hơn 10 năm công tác tại Trạm Y tế phường Tân Bình (TP Hải Dương), y sĩ Nguyễn Thị Hoài Thu đã từng quen với công việc y tế cộng đồng. Nhưng thời gian gần đây khi ca bệnh Covid-19 trên địa bàn phường tăng, cán bộ y tế cơ sở càng vất vả, áp lực hơn rất nhiều lần. Những ngày cận Tết, chị Thu và nhiều đồng nghiệp hiếm hoi có thời gian cho gia đình. Một ngày chị Thu có khoảng 20 tiếng ở tại trạm và đi làm việc tại các khu dân cư như lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp F0, F1 tại nhà, lấy mẫu trường hợp cách ly đi từ tỉnh ngoài hoặc vùng dịch về… “Trạm chỉ có 1 cán bộ là nam giới. Nhiều lúc mệt mỏi, chị em chỉ biết động viên nhau cố gắng và mong mỏi cộng đồng cùng chung lòng đẩy lùi được dịch Covid-19 sớm nhất”, chị Thu chia sẻ.
Cùng với việc F0 gia tăng, tỷ lệ bệnh nhân nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế liên tục tăng cao. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh đang điều trị 30 ca mắc Covid-19. Với số lượng bệnh nhân đông, nhân viên y tế mỏng nên các cán bộ y tế ở đây phải làm việc cật lực. Bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi phải làm việc trên 100% sức lực. Trung bình một ngày sẽ chia làm 3 ca và mỗi ca trực 8 tiếng, tuy nhiên do thiếu người nên mỗi ca phải làm việc lên tới 12 tiếng. Với đơn vị hồi sức cấp cứu thông thường sẽ làm việc 3 ca, 4 kíp, mỗi ca làm việc 8 tiếng và nghỉ 24 giờ. Tuy nhiên, lượng bệnh nhân đông nên các cán bộ ở đây đều làm việc 12 tiếng mỗi ngày và không có thời gian nghỉ bù…”.
Ngày 27.1, tại Khu điều trị cách ly đặc biệt Bệnh viện Phổi Hải Dương có 30 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng. Họ chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền và hầu hết chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ Nguyễn Lương Hiền, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu cho biết: “Tất cả bệnh nhân ở đây đều phải chăm sóc toàn diện nên các cán bộ y tế rất vất vả. Vừa thực hiện công tác khám chữa bệnh, vừa theo dõi sức khỏe liên tục, lại phụ trách cả ăn uống, vệ sinh cho bệnh nhân… Tại khu vực vòng trong chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân có 27 nhân viên y tế sẽ phải ở lại xuyên Tết để thực hiện nhiệm vụ". Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh Covid-19, các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện phải thực hiện cả công việc ở bộ phận hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân thường đặt tại Khoa Nội 3. Lực lượng y tế mỏng, số lượng F0 thời gian tới có thể sẽ tăng cao hơn khiến cho các y bác sĩ ở đây phải gắng hết sức mình.
Vất vả, đối mặt hiểm nguy phơi nhiễm nhưng các cán bộ y tế vẫn làm việc hết mình, tất cả vì nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe người dân.