F1 có phải thực hiện cách ly và được hưởng chế độ BHXH không?

Hỏi:Trong những ngày gần đây, số người nhiễm Covid-19 trên cả nước tăng nhanhnên số người tiếp xúc gần (F1) cũng tăng mạnh. Vậy, F1 có phải thực hiện cách ly và có được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) không? Trường hợp người lao động có con là F0 thì được hưởng chế độ như thế nào?

Trả lời: Ngày 21-2-2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Công văn số 762/YT-DP về việc cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1), thay thế Công văn số 10696/BYT-MT, ngày 16-12-2021 về cách ly y tế cho F1 đã tiêm đủ vắc xin hoặc đã khỏi bệnh.

Theo đó: Đối với F1, Bộ Y tế lưu ý việc xác định F1 phải thực hiện theo quy định tại Công văn số 11042/BYT-DP, ngày 29-12-2021 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh định nghĩa ca Covid-19. Theo đó, F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin Covid-19 (trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là F1) thực hiện cách ly 5 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác. Đồng thời xét nghiệm Covid-19 vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo.

Như vậy, so với Công văn 110696/BYT-MT, số ngày cách ly tại nhà với F1 đã tiêm đủ vắc xin theo công văn mới này đã rút ngắn từ 7 ngày còn 5 ngày, số lần xét nghiệm cũng giảm từ 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7) xuống 1 lần.

F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19: Cách ly 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác; xét nghiệm Covid-19 vào ngày cách ly thứ 7 với cách thức xét nghiệm như trên. Nếu kết quả âm tính, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 3 ngày tiếp theo. Nếu sức khỏe có dấu hiệu bất thường (sốt, ho, đau họng, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, giảm hoặc mất khứu giác, tiêu chảy, khó thở, viêm đường hô hấp...) cần báo cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí theo quy định.

Như vậy, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, F1 phải thực hiện cách ly y tế. Tuy nhiên, tại một số địa phương, do việc thích ứng với tình hình kinh tế, xã hội của các tỉnh, thành, người lao động được phép đi làm nhưng phải đáp ứng các điều kiện của địa phương.

Trước đây, theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thì F1 cách ly tại nhà sẽ được hỗ trợ tiền ăn 80 ngàn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, thời gian áp dụng chỉ từ 27-4-2021 đến 31-12-2021. Do đó, từ tháng 1-2022, F1 cách ly tại nhà sẽ không còn được hỗ trợ tiền ăn.

Trong khi đó, Điều 24 và khoản 2 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động có con dưới 7 tuổi mắc bệnh sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau trong thời gian chăm con, nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: Tham gia BHXH bắt buộc và con ốm có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Do đó, nếu F1 phải cách ly tại nhà do tiếp xúc gần với F0 ở chỗ làm, nơi công cộng, tại khu chung cư... và phải cách ly thì F1 không được hưởng chế độ ốm đau. Đồng nghĩa, trường hợp F1 cách ly tại nhà do có con dưới 7 tuổi là F0 thì được hưởng chế độ ốm đau.

Mức hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ chăm con F0 của người lao động được tính dựa trên Điều 28 Luật BHXH năm 2014.

Cụ thể, mức hưởng chế độ ốm đau/ngày = (75% x tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ)/24.

Thời gian hưởng chế độ được giới hạn tối đa theo khoản 1 Điều 27 Luật BHXH như sau: Con dưới 3 tuổi thì số ngày hưởng chế độ tối đa 20 ngày/năm/con; con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi thì số ngày hưởng chế độ tối đa 15 ngày/năm/con.

Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong 1 năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc, nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc, nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại Điều 5 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Vậy, khi con của người lao động dưới 7 tuổi và bị mắc Covid-19 (là F0) thì người lao động có tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng chế độ ốm đau.

Trong đề xuất mới đây của Bộ Y tế, F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.

Lan Thanh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/131259/f1-co-phai-thuc-hien-cach-ly-va-duoc-huong-che-do-bhxh-khong