Facebook, Google và TikTok chạy đua để bắt kịp đạo luật trực tuyến mới của EU

Những gã khổng lồ công nghệ đang chạy đua để bắt kịp đạo luật trực tuyến mới của Liên minh châu Âu (EU) vừa có hiệu lực vào thứ Sáu (25/8), từ hạn chế quảng cáo cá nhân hóa, thông tin sai lệch cho đến ngôn từ kích động thù địch.

Có tới 19 nền tảng, bao gồm Facebook, Instagram, Google và TikTok, phải đối mặt với các nghĩa vụ đặc biệt theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Đạo luật mang tính bước ngoặt này được thiết kế để kiểm soát nội dung trực tuyến đã được phê duyệt vào tháng 4 năm ngoái.

 19 nền tảng công nghệ lớn trên thế giới sẽ phải tuân thủ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu. Ảnh: FT

19 nền tảng công nghệ lớn trên thế giới sẽ phải tuân thủ Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu. Ảnh: FT

Các quy tắc sâu rộng bao gồm cấm nhắm mục tiêu quảng cáo đến người dùng dựa trên tôn giáo, giới tính hoặc sở thích tình dục. Cơ chế mới cũng buộc các nền tảng tiết lộ những bước họ đang thực hiện để giải quyết thông tin sai lệch, cũng như các biện pháp bảo vệ mới đối với trẻ vị thành niên.

Cuộc thử thách đầu tiên diễn ra vào ngày 25 tháng 8, khi các công ty sẽ bắt đầu phải gửi đánh giá rủi ro về cách họ dự định đáp ứng các yêu cầu mới.

Mạng xã hội X của Elon Musk, trước đây là Twitter, đã phản hồi bằng cách đưa ra chính sách cấm ngôn từ kích động thù địch nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai có “hình ảnh thù hận”, chẳng hạn như chữ vạn của Đức Quốc xã.

Các công ty truyền thông xã hội bao gồm Meta, Snap và TikTok đã bắt đầu cung cấp cho hàng triệu người dùng tùy chọn tắt một số nội dung được cá nhân hóa, công cụ vốn được coi là chìa khóa thành công của các nền tảng trong việc thu hút người dùng.

Các công ty này, cũng như Google, cũng đã hạn chế quảng cáo được nhắm mục tiêu cho những người dưới 18 tuổi, đồng thời cung cấp cho người dùng nhiều thông tin hơn về lý do tại sao họ lại được nhắm mục tiêu trong một số hoạt động quảng cáo nhất định.

Nick Clegg, chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết họ đã “tập hợp một trong những nhóm đa chức năng lớn nhất trong lịch sử của chúng tôi, với hơn 1.000 người hiện đang làm việc trên DSA”.

Ông viết trong một bài đăng trên blog xuất bản tuần này: “Đây là một vấn đề lớn không chỉ đối với các công ty công nghệ châu Âu mà còn đối với tất cả các công ty công nghệ hoạt động ở EU”.

TikTok cho biết họ cũng đã phân công hơn 1.000 nhân viên làm việc để tuân thủ DSA, một dấu hiệu cho thấy các công ty đã dành nguồn lực khổng lồ để đáp ứng các quy tắc.

Alec Burnside, một đối tác của công ty luật Dechert có trụ sở tại Brussels, cho biết: “Đó là một bước ngoặt... Và đây có khả năng trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia ngoài khối”.

Tuy nhiên, vẫn có những nỗ lực chống lại các quy tắc. Trong số này, Amazon đã đưa ra những thách thức pháp lý, cho rằng họ không nên được coi là “nền tảng trực tuyến rất lớn”.

Một số nền tảng nhỏ hơn, bao gồm Pinterest và Wikipedia, cũng phải đáp ứng các yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt của đạo luật này. Wikipedia cho biết họ sẽ công bố thêm thông tin về các yêu cầu thay đổi hoặc xóa nội dung mà họ nhận được.

Các quan chức EU dự đoán một số nền tảng sẽ chậm trễ trong việc đưa ra các báo cáo đánh giá bắt buộc. Những dữ liệu này sẽ tiết lộ cách các nền tảng trực tuyến hoạt động để hạn chế thông tin sai lệch, nội dung bất hợp pháp và các sản phẩm có hại trực tuyến. Cơ quan quản lý nói rằng họ sẽ phạt những công ty nào chậm trễ.

Hoàng Hải (theo FT, DW, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/facebook-google-va-tiktok-chay-dua-de-bat-kip-dao-luat-truc-tuyen-moi-cua-eu-post262075.html