Facebook mạnh tay với thông tin sai lệch về virus Corona
Facebook tuyên bố sẽ tự xóa các bài viết chứa thông tin sai cũng như thuyết âm mưu về virus Corona thay vì giảm tương tác như trước đây.
Chính sách này được Facebook áp dụng đầu tiên trên hai nền tảng Facebook và Instagram.
Theo đại diện Facebook, các nội dung bị xóa bao gồm thông tin sai lệch về chữa virus Corona, phương pháp phòng ngừa sai thực tế hoặc bất kỳ nội dung nào gây hoang mang, nhầm lẫn, có nguy cơ gây hại cho cộng đồng. Các hashtag truyền bá thông tin sai lệch cũng bị chặn.
Theo The Verge, động thái mới của Facebook được đánh giá là mạnh tay. Bởi mạng xã hội này ít khi loại bỏ hoàn toàn bài viết của người dùng, thay vào đó chỉ ẩn đi hoặc giảm tương tác.
Quyết định của Facebook được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố dịch viêm phổi do virus Corona (nCoV) gây ra là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết sẽ dựa vào các công bố của WHO và các tổ chức y tế uy tín để đánh giá thông tin đúng sai.
Ngoài việc loại bỏ nội dung có hại liên quan đến coronavirus, Facebook cũng cho biết sẽ hạn chế việc truyền bá thông tin sai lệch đã bị báo cáo (report) bởi những người kiểm tra thực tế. Khi người dùng truy cập và cố gắng chia sẻ, sẽ có thông báo rằng thông tin có thể không chính xác. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng hướng người dùng đến thông tin chính xác bằng cách đặt tin nhắn ở đầu bảng tin (News Feed) hoặc cửa sổ tự bật (pop-up).
Trước đó, Lead Stories, đối tác kiểm chứng thông tin của Facebook, cho biết đã có sự gia tăng nhanh chóng của tin giả gâyhiểu lầm về dịch viêm phổi Vũ Hán. Phát ngôn viên của Facebook thừa nhận với CNN đang làm việc cùng các đối tác để kiểm chứng nội dung liên quan dịch bệnh. Khi các bài đăng và liên kết bị khiếu nại, hệ thống sẽ giảm khả năng chia sẻ trên nền tảng và cảnh báo người dùng về thông tin sai lệch.
Không chỉ Facebook, Google cũng hạn chế tin giả khi đã điều chỉnh chính sách của công cụ tìm kiếm Google Search và YouTube trong vài năm gần đây để ưu tiên hiển thị kết quả từ các nguồn tin chính thức. Trên Twitter, người dùng tìm từ khóa “coronavirus” ở nhiều quốc gia sẽ được khuyến cáo “cập nhật thông tin chuẩn xác” từ cơ quan y tế địa phương và Tổ chức y tế thế giới (WHO).