Facebook nói gì trước những cáo buộc nghiêm trọng nhắm vào mình?

Mạng xã hội lớn nhất thế giới – Facebook và ứng dụng cùng nền tảng Instagram hiện đang đứng trước nhiều cáo buộc nghiêm trọng, ví dụ như đặt lợi nhuận lên trên con người, gây trầm cảm, lo âu ở nhiều trẻ vị thành niên.

Trong phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ đêm 5-10 (giờ Việt Nam), cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook, bà Frances Haugen đã đưa ra nhiều cáo buộc nghiêm trọng đối với mạng xã hội có nhiều người dùng hàng đầu thế giới này. Thông tin trên ngay lập tức được The New York Times và truyền thông thế giới đăng tải.

Bà Frances Haugen, 37 tuổi, đến từ bang Iowa (Mỹ), là một nhà khoa học dữ liệu với bằng kỹ sư máy tính. Bà cũng có bằng thạc sĩ kinh doanh của Đại học Harvard. Trước khi được Facebook tuyển dụng, bà từng làm việc cho Google và Pinterest. Frances Haugen trở thành Giám đốc sản phẩm của Facebook năm 2019, song đã rời tập đoàn công nghệ này vào tháng 5 vừa qua.

Những cáo buộc từ phiên điều trần của chính người trong cuộc

Theo tờ Wall Street Journal, tại phiên điều trần ở Thượng viện Mỹ, bà Frances Haugen cho rằng, mặc dù Facebook tuyên bố họ đã có những bước cải tiến đáng kể trong giải quyết các nội dung độc hại, song khi được lựa chọn, Facebook lại ưu tiên lợi nhuận thay vì sự an toàn của người dùng. Bà Frances Haugen nhận định, đây có thể là một phần của văn hóa doanh nghiệp tại tập đoàn này.

Bà Haugen, cựu nhân viên Facebook, trong phiên điều trần ngày 5-10 (giờ Mỹ). Ảnh: REUTERS

Bà Haugen, cựu nhân viên Facebook, trong phiên điều trần ngày 5-10 (giờ Mỹ). Ảnh: REUTERS

“Nếu họ kiếm được 40 tỷ USD mỗi năm, họ có đủ nguồn lực để giải quyết những vấn đề này”, Haugen nói khi thảo luận về những vấn đề mà Facebook gây ra. Tuy nhiên, cô cho biết công ty đã hết lần này đến lần khác “đặt lợi nhuận khổng lồ lên trên con người”.

Trong suốt quá trình làm chứng, bà Haugen liên tục kêu gọi Quốc hội can thiệp để điều chỉnh và xác định các quy tắc cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh.

Liên quan đến cáo buộc về những ảnh hưởng độc hại của Facebook đối với người sử dụng, bà Frances Haugen tiết lộ, trong phạm vi nội bộ khi Facebook nói về khả năng “gây nghiện” của các sản phẩm, thuật ngữ “cách sử dụng có vấn đề” thường được sử dụng. Bà tiết lộ Facebook đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu cho thấy Facebook và các nền tảng như Instagram có hại cho thanh thiếu niên.

"Tôi tin rằng các sản phẩm của Facebook gây hại cho trẻ em, gây chia rẽ và làm suy yếu nền dân chủ Mỹ. Hành động của Quốc hội Mỹ là rất cần thiết. Cuộc khủng hoảng này sẽ không có lối thoát nếu không có sự giúp đỡ của các nhà lập pháp", bà Haugen kêu gọi các thượng nghị sĩ trong phiên điều trần ngày 5-10. Bà Haugen cũng khuyến nghị các thượng nghị sĩ tìm kiếm thêm tài liệu để chứng minh rằng, Facebook đã biết về sự thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh đối với nền tảng của mình.

Bà Haugen cũng chính là người trước đó đã chia sẻ loạt tài liệu nội bộ của Facebook cho giới báo chí, nói về việc nền tảng Facebook và Instagram gây trầm cảm, lo âu ở nhiều trẻ vị thành niên.

Bên cạnh đó Facebook cũng bị cáo buộc đã theo dõi cách một số quốc gia nước ngoài sử dụng dịch vụ cho hoạt động gián điệp như Trung Quốc, Iran; hoặc thay đổi các mặc định an toàn vào khoảng diễn ra cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 và sau đó họ đã cài đặt trở lại sau vụ bạo loạn ngày 6-1 vào Điện Capitol.

"Phiên điều trần" nhằm cứu vãn tình hình của Facebook

Vài giờ sau buổi điều trần của cựu Giám đốc sản phẩm Haugen, nhà sáng lập và CEO của Facebook Mark Zuckerberg, trên trang Facebook chính thức của mình, đã chia sẻ một bài viết thể hiện suy nghĩ cá nhân về những cáo buộc mà mạng xã hội này đang phải đối mặt.

Ông Zuckerberg cho rằng, những lập luận được đưa ra không phản ánh đúng về công ty mà ông đang gây dựng. Nhà sáng lập Facebook đồng thời phản ứng gay gắt về những thông tin, cáo buộc liên quan mà ông cho là sai lệch về mục tiêu của Facebook. CEO của Facebook khẳng định: Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như an toàn, hạnh phúc và sức khỏe tinh thần (của người dùng).

Mark Zuckerberg, CEO của Facebook. Ảnh: Telegraph.

Mark Zuckerberg, CEO của Facebook. Ảnh: Telegraph.

Cho rằng trọng tâm của phiên điều trần là cáo buộc Facebook ưu tiên lợi nhuận hơn sự an toàn và thịnh vượng của xã hội, ông Zuckerberg nhấn mạnh, điều này là hoàn toàn không đúng. Ông lấy ví dụ việc Facebook đã chủ động ưu tiên đưa những hoạt động của bạn bè và người thân người dùng lên bảng tin cá nhân của người dùng nhiều hơn là những video phổ biến. Qua đó, Facebook hướng đến việc gắn kết mọi người với nhau.

Liên quan cáo buộc trong phiên điều trần của Thượng viện cho rằng Facebook cố tình thúc đẩy nội dung mang tính kích động để trục lợi, CEO Zuckerberg phản bác rằng, Facebook kiếm tiền từ quảng cáo và các nhà quảng cáo không muốn sản phẩm quảng cáo của mình bị đặt cạnh những nội dung có hại hoặc gây phẫn nộ.

Nhà sáng lập Facebook chia sẻ, mạng xã hội mà ông gây dựng hướng đến những trải nghiệm trên mạng an toàn và tích cực cho mọi người. Thay mặt Facebook, CEO Zuckerberg khẳng định, mạng xã hội này vẫn tiếp tục thúc đẩy những nghiên cứu hàng đầu để cải thiện trải nghiệm của người dùng trong tương lai. Song, ông kêu gọi các nhà lập pháp xây dựng bộ quy tắc quan trọng liên quan thông tin bầu cử, nội dung có hại, quyền riêng tư và cạnh tranh.

Người phát ngôn của Facebook, Lena Pietsch cũng đã nhanh chóng bác bỏ lời khai của bà Haugen tại buổi điều trần nói trên. Trong một tuyên bố, bà Pietsch nói: “Hôm nay, một tiểu ban của Ủy ban Thương mại Thượng viện đã tổ chức buổi điều trần với một cựu giám đốc sản phẩm tại Facebook, người đã làm cho công ty trong không đầy 2 năm, không có báo cáo trực tiếp nào, chưa từng tham dự một cuộc họp ra quyết định nào với các giám đốc cấp độ C – và đã ra làm chứng trên 6 lần, không về những chủ đề được đề cập”.

Tương lai nào cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh

Chưa thể ước tính mức độ thiệt hại mà Facebook phải gánh chịu do các cáo buộc của cựu nhân viên Frances Haugen. Bởi điều này còn phụ thuộc vào những động thái liên quan của nhà chức trách Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên sự cố trước đó của Facebook vào ngày 4-10, khi các dịch vụ của Facebook, Instagram và WhatsApp không thể truy cập được, đã đặt ra mối nghi vấn vô cùng lớn với người dùng.

Nghị sĩ Mỹ Alexandria Ocasio-Cortez cho rằng Facebook nên bị chia tách để tránh gây trở ngại cho các ứng dụng cùng nền tảng. Sự cố trên không chỉ khiến giá cổ phiếu của Facebook sụt giảm nghiêm trọng, mà còn khiến công ty này dần mất lòng tin của người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Thực trạng gần đây cho thấy, nhóm người dùng thanh thiếu niên của Facebook đang lũ lượt chuyển sang Snapchat và TikTok, trong khi một số sản phẩm của Facebook đang bị thu hẹp và những sản phẩm khác khiến người dùng bực bội hoặc tự ti.

Đó là những vấn đề mà “mạng xã hội lớn nhất hành tinh” cần tính đến. Mặc dù Facebook có thể đang sa sút nhưng nó cũng vẫn là một trong những công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử, với khả năng định hình chính trị và văn hóa toàn cầu. Tuy nhiên, sức chịu đựng của người dùng cũng có giới hạn. Nếu không giải quyết các vấn đề này, tương lai Facebook bị thay thế bởi một mạng xã hội khác, là điều có thể.

LÊ ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/facebook-noi-gi-truoc-nhung-cao-buoc-nghiem-trong-nham-vao-minh-673435