Công ty mẹ Facebook thắng kiện vụ liên quan đến thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên iOS của Apple
Meta Platforms đã thắng kiện, bác bỏ cáo buộc rằng công ty lừa dối cổ đông bằng cách che giấu tác động từ việc Apple thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên iOS năm 2021 sẽ khiến Facebook và Instagram kém hấp dẫn hơn với các nhà quảng cáo.
Trong phán quyết dài 34 trang, bà Yvonne Gonzalez Rogers (thẩm phán liên bang Mỹ) cho biết việc Meta Platforms cuối cùng thừa nhận rằng những thay đổi về quyền riêng tư trên iOS của Apple có thể gây ra thiệt hại doanh thu 10 tỉ USD vào năm 2022 không chứng minh được rằng những tiết lộ trước đó từ công ty là sai.
Cũng trong một phán quyết hôm 18.9, Yvonne Gonzalez Rogers bác bỏ các cáo buộc rằng Meta Platforms đã che giấu việc cựu Giám đốc vận hành hành Sheryl Sandberg sử dụng tài nguyên công ty cho vấn đề cá nhân, gồm cả đám cưới và cuốn sách bán chạy Lean In của bà.
Yvonne Gonzalez Rogers nói rằng các cáo buộc về Sheryl Sandberg đến "hoàn toàn từ báo chí" và chưa được chứng minh, đồng thời không tìm thấy bằng chứng cho thấy việc chuyển đổi sang Reels (dịch vụ video ngắn trên Facebook, Instagram) làm tổn hại đến hiệu suất tài chính của Meta Platforms.
"Tòa án xác định nguyên đơn chưa cáo buộc một cách hợp lý về vi phạm luật chứng khoán liên bang", Yvonne Gonzalez Rogers viết.
Thẩm phán liên bang Mỹ cũng phán quyết rằng vụ kiện này bị bác bỏ vĩnh viễn, nghĩa là các nguyên đơn không thể nộp lại đơn kiện liên quan đến vấn đề đó.
Các bị đơn khác ở Meta Platforms gồm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, Giám đốc tài chính Susan Li và David Wehner (người tiền nhiệm của bà Susan Li).
Luật sư của nguyên đơn không trả lời ngay lập tức khi Reuters đề nghị bình luận. Meta Platforms không đưa ra bình luận ngay lập tức.
Tác động của những thay đổi về quyền riêng tư trên iOS với Meta
Những thay đổi về quyền riêng tư mà Apple áp dụng trên hệ điều hành iOS năm 2021, đặc biệt là tính năng App Tracking Transparency (ATT), gây ra những tác động sâu sắc đến hoạt động kinh doanh của Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp.
Tại sao lại ảnh hưởng?
- Hạn chế theo dõi người dùng: Trước khi ATT được áp dụng, Facebook và Instagram có thể theo dõi hành vi của bạn trên nhiều ứng dụng và trang web khác để xây dựng hồ sơ người dùng chi tiết. Điều này giúp Meta Platforms tạo ra các quảng cáo nhắm mục tiêu hiệu quả và tối đa hóa doanh thu từ quảng cáo. Tuy nhiên, với ATT, người dùng có quyền quyết định có cho phép các ứng dụng theo dõi mình hay không.
- Giảm hiệu quả quảng cáo: Khi người dùng iPhone từ chối bị theo dõi, Meta Platforms sẽ khó thu thập dữ liệu để tạo ra các quảng cáo cá nhân hóa. Điều này dẫn đến giảm hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo và làm giảm doanh thu từ nguồn thu chính của công ty mẹ Facebook.
- Thay đổi mô hình kinh doanh: Meta Platforms phải điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình để thích nghi với những thay đổi này. Công ty đang tập trung vào các hình thức quảng cáo mới, như dựa trên ngữ cảnh và trong các sản phẩm của mình, chẳng hạn Reels. Tuy nhiên, những hình thức quảng cáo này chưa thể mang lại hiệu quả tương đương với quảng cáo nhắm mục tiêu.
Những tác động cụ thể
- Giảm doanh thu: Meta Platforms đã công bố rằng những thay đổi về quyền riêng tư của Apple đã gây ra một "cơn gió ngược" lớn với hoạt động kinh doanh của công ty và ước tính thiệt hại lên tới hàng tỉ USD.
- Thay đổi hành vi người dùng: Người dùng trở nên thận trọng hơn trong việc chia sẻ dữ liệu cá nhân và có xu hướng sử dụng các tính năng bảo mật của iOS.
- Áp lực lên cổ phiếu: Cổ phiếu Meta Platforms đã giảm mạnh sau khi công ty công bố những tác động tiêu cực của ATT.
- Đẩy mạnh sự cạnh tranh: Các hãng công nghệ khác cũng đang phải đối mặt với những thách thức tương tự, nhưng những công ty có nền tảng dữ liệu lớn và đa dạng hơn có thể thích nghi nhanh hơn.
Tương lai
Meta Platforms cùng các hãng công nghệ khác đang phải tìm kiếm những cách mới để thu thập dữ liệu và tạo ra các quảng cáo hiệu quả trong một môi trường ngày càng chú trọng đến quyền riêng tư. Một số hướng đi có thể kể đến như:
- Tăng cường đầu tư vào các công nghệ mới: Ví dụ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy để tối ưu hóa quảng cáo dựa trên ít dữ liệu hơn.
- Phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới: Tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho người dùng và thu hút họ tham gia vào hệ sinh thái của công ty.
- Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với người dùng: Minh bạch hơn về cách sử dụng dữ liệu và cung cấp cho người dùng nhiều quyền kiểm soát hơn.
Những thay đổi về quyền riêng tư trên iOS của Apple đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành quảng cáo trực tuyến và buộc các hãng công nghệ phải thay đổi cách làm việc của mình. Đây là xu hướng không thể đảo ngược nên các công ty cần phải thích ứng để tồn tại và phát triển trong tương lai.
Mark Zuckerberg mệt mỏi vì phải chơi theo luật của Apple
Cuối tháng 7, Mark Zuckerberg bày tỏ sự bức xúc khi phải đối mặt với những hạn chế từ Apple.
Nhà sáng lập Facebook chỉ trích Apple trong một bài đăng trên trang web Meta Platforms giới thiệu các mô hình AI Lllama mới nhất.
Tỷ phú 40 tuổi người Mỹ viết: “Một trong những trải nghiệm hình thành nên tôi là xây dựng các dịch vụ của Meta bị ràng buộc bởi những gì Apple sẽ cho phép chúng tôi làm trên nền tảng của họ. Giữa cách Apple đánh thuế các nhà phát triển, những quy tắc tùy tiện mà họ áp dụng và tất cả cải tiến sản phẩm mà họ ngăn chặn không cho triển khai, rõ ràng Meta và nhiều công ty khác sẽ được tự do xây dựng các dịch vụ tốt hơn nhiều cho mọi người nếu có thể tạo các phiên bản tốt nhất sản phẩm của mình và đối thủ cạnh tranh không thể hạn chế những gì chúng tôi có thể làm".
Giám đốc điều hành Meta Platforms đã rót hàng tỉ USD để cố gắng đảm bảo điều tương tự không xảy ra nữa.
Mark Zuckerberg đang đặt cược lớn vào cả metaverse và AI vì đây là công nghệ tương lai mà mọi người sẽ dành thời gian. Meta Platforms đang phát triển AI và phần mềm riêng để cung cấp cho các kính thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), chẳng hạn dòng Quest, được sử dụng để truy cập metaverse.
“Ở cấp độ triết học, đây là lý do chính khiến tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ sinh thái mở về AI và AR/VR cho thế hệ điện toán tiếp theo”, Mark Zuckerberg cho biết trong bài đăng trên blog.
Apple thì khác Meta Platforms. Công ty thích cách tiếp cận "vườn có tường bao quanh", giúp họ kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của mình. Apple cho biết điều này giúp mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và tốt hơn cho sự an toàn lẫn quyền riêng tư.
Về bộ tính năng AI tạo sinh mang tên Apple Intelligence, công ty đã chọn hợp tác với OpenAI để tích hợp ChatGPT vào các hệ điều hành của mình, nhưng cũng phát triển nhiều tính năng AI riêng. Dù cho biết sẵn sàng tích hợp thêm các mô hình AI bên thứ ba khác trong tương lai, chẳng hạn Google Gemini, Apple được cho là đã loại bỏ AI của Meta Platforms trong các cuộc đàm phán ban đầu về những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
Mark Zuckerberg đã mở rộng bài phê bình Apple của mình trong một cuộc phỏng vấn với YouTuber Rowan Cheung. Ông không nghĩ rằng Apple sẽ bị lạc hướng trong cách tiếp cận và phát triển AI, nhưng tin rằng các mô hình AI nguồn mở sẽ là tiêu chuẩn.
“Theo quan điểm của tôi, Apple hoàn toàn áp dụng các quy tắc khác để hạn chế những gì chúng tôi có thể làm”, Mark Zuckerberg nói.
Mark Zuckerberg nói ông không coi mình là "người cuồng nhiệt nguồn mở", nhưng trước đây đã chỉ trích các công ty AI nguồn đóng và những ai nghĩ rằng họ đang tạo ra một "vị thần AI" toàn năng duy nhất.
Ông cũng rõ ràng chưa quên khoản doanh thu khoảng 10 tỉ USD mà các ứng dụng của Meta Platforms đã mất đi khi Apple đưa ra các thông báo quyền riêng tư trên iOS vào năm 2021, yêu cầu người dùng iPhone chọn ứng dụng nào được phép theo dõi hành vi của họ để quảng cáo. David Wehner, Giám đốc tài chính Meta Platforms tại thời điểm đó, cho biết bản cập nhật iOS đã làm tổn hại đến doanh thu quảng cáo của Facebook.
"Tôi nghĩ sẽ hơi đau lòng khi bạn xây dựng những tính năng mà bạn tin là tốt cho cộng đồng của mình và sau đó được thông báo rằng không thể triển khai chúng vì một số công ty muốn nhốt bạn vào một chiếc hộp", Mark Zuckerberg nói.
Dù thừa nhận rằng sự thống trị của Apple trong ngành di động đã tạo nên một trường hợp thuyết phục cho một mô hình đóng, Mark Zuckerberg chỉ ra rằng PC (máy tính cá nhân) là một mô hình cởi mở hơn, dễ dàng cạnh tranh với các hệ thống của nhà sản xuất iPhone.
Ông nói: “So với cách tiếp cận của Apple là kết hợp hệ điều hành với thiết bị, cách tiếp cận của Windows là hệ sinh thái cởi mở hơn và nó đã thắng”.
Mark Zuckerberg hy vọng Meta Platforms cũng sẽ đứng về phía chiến thắng. Tỷ phú này cho biết muốn “khôi phục ngành công nghiệp” về trạng thái nơi các hệ sinh thái mở trở thành mô hình hàng đầu và để Meta Platforms đi đầu.
Mark Zuckerberg nói: “Đó là điều mà tôi chỉ quan tâm về mặt cá nhân và triết học. Mô hình phát triển di động khép kín đã áp đặt những giới hạn lên sự sáng tạo trong ngành công nghiệp".
Elon Musk nhiều lần chỉ trích Mark Zuckerberg và thậm chí còn thách đấu võ trong lồng sắt vào năm ngoái sau khi Giám đốc điều hành Meta Platforms tung ra mạng xã hội Threads để cạnh tranh với X. Thế nhưng, ít nhất có một chủ đề mà Elon Musk đồng quan điểm với Mark Zuckerberg.
Cuối tháng 7, Elon Musk đã dành một lời khen hiếm hoi cho Mark Zuckerberg sau khi Meta Platforms ra mắt mô hình Llama 3.1. Công ty mẹ Facebook tuyên bố Llama 3.1 có kỹ năng đa ngôn ngữ và chỉ số hiệu suất chung không kém GPT-4o của OpenAI, là mã nguồn mở và được phát hành công khai cho mọi người sử dụng miễn phí.
"Nó thực sự ấn tượng và Zuck xứng đáng được khen ngợi vì đã mở mã nguồn", Elon Musk viết trên X để đáp lại bài đăng về Llama 3.1 từ Andrej Karpathy (cựu Giám đốc AI của Tesla).